Doanh nghiệp Việt cần nỗ lực để có thể trở nên mạnh mẽ

15:03 30/10/2020

Bên cạnh cơ hội, các FTA đã và đang gia tăng sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế và doanh nghiệp, điều này đang đặt doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam trước sự cạnh tranh gay gắt từ hàng hóa xuất khẩu trên thị trường nội địa.

Vì sao doanh nghiệp Việt khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu?- VnEconomy

Doanh nghiệp cần nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trong số 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo là FTA Việt Nam - EU (EVFTA).

Việc tham gia các FTA đã giúp thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa, thị trường tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện hơn. Bên cạnh những lợi ích do các FTA mang lại thì các doanh nghiệp Việt đứng trước rất nhiều thách thức, rất nhiều khó khăn khi hàng hóa của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tăng nhập khẩu vào Việt Nam nhờ ưu đãi thuế quan, khiến thị trường trong nước không còn là “sân nhà

Những điểm yếu bắt đầu xuất hiện

Việt Nam hiện có hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại tất cả các lĩnh vực, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới 98%. Nhóm doanh nghiệp này luôn có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và có đóng góp không nhỏ cho ngân sách nhà nước.

DNNVV đã có mặt ở hầu hết các vùng miền, địa phương, tận dụng và khai thác tốt các nguồn lực tại chỗ. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của DNNVV vẫn còn gặp những khó khăn do quy mô còn khiêm tốn dẫn đến khả năng tích tụ và tập trung vốn để đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ quản lý... bị hạn chế.

Ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: “Về năng lực cạnh tranh, quá trình hội nhập kinh tế cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu do năng lực cạnh tranh còn hạn chế.”

Ông cũng chia sẻ 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên gặp nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn lực để đầu tư vào công nghệ, nâng cao trình độ quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời chưa có chiến lược dài hạn để phát triển. Một số doanh nghiệp còn tâm lý e dè, chưa dám chấp nhận rủi ro để tiếp tục đầu tư phát triển.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế trong việc hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để trở thành các đối tác lâu dài, hướng tới các mục tiêu phát triển chung.

Thứ ba, nhận thức của một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn ngắn hạn, chưa xác định được tầm nhìn dài hạn với tư duy chiến lược để tận dụng được các thời cơ, đặc biệt là các thời cơ về hiệp định thương mại.

Không chỉ hạn chế về quy mô, mà hầu hết các chủ DNNVV hiện nay vẫn chưa có tư duy chiến lược dài hạn, bài bản, nên các doanh nghiệp thường phát triển ngắn hạn. Nhận thức về việc phải phát triển đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đề cao.

Một điểm yếu khác của các doanh nghiệp Việt đó chính là chưa thể tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu. Lý giải nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, bà Nguyễn Việt Hồng, Phó trưởng ban phụ trách Ban Kinh tế và Xúc tiến thương mại, Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, là do thiếu sự liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI trong định hướng xuất khẩu.

“Thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng lại khó tìm kiếm các nhà cung ứng nội địa, đặc biệt là những đối tác có thể sản xuất ra các sản phẩm theo đúng yêu cầu của họ”, bà Hồng nói.

Bên cạnh năng lực sản xuất, những dịch vụ khác như logistics, bảo hiểm, tài chính, thậm chí ngay cả dịch vụ cung ứng thực phẩm, an ninh... cũng còn yếu. Ngoài ra, sự không hài hòa giữa các liên minh ngành nghề với nhau cùng sự thiếu thốn trong ngành phụ trợ cũng đang là một thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp trong nước.

Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh 

Thực tế, trong nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực doanh nghiệp Việt đã có những bước tiến quan trọng, thể hiện ở xu hướng gia tăng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bắt đầu vượt trội so với khu vực FDI.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 chia cắt hệ thống kinh tế thế giới, các chuỗi sản xuất toàn cầu bị đứt gãy, Việt Nam lại thể hiện được thành tích xuất siêu nổi bật khi ở cả hai phía cung - cầu có phần đóng góp của khu vực doanh nghiệp Việt.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, thẳng thắn chia sẻ: “Không thể bác bỏ thực trạng yếu kém thực lực của các doanh nghiệp Việt sau 35 năm chuyển sang kinh tế thị trường - mở cửa. Trong bối cảnh nền kinh tế và doanh nghiệp phải đặc biệt nỗ lực đạt được trạng thái "bình thường mới”, cần nhanh chóng triển khai các giải pháp “nóng”.

Theo đó, doanh nghiệp cần nỗ lực xây dựng các nền tảng của kinh tế thị trường, chính là các thị trường đầu vào (thị trường các nguồn lực) đúng nghĩa. Bên cạnh đó, nhanh chóng đoạn tuyệt với hệ thống phân bổ nguồn lực theo nguyên tắc “xin - cho” - nguồn gốc cơ bản và trực tiếp của hệ thống tham nhũng, lãng phí, làm méo mó toàn bộ cấu trúc thị trường.

“Hai yếu tố nêu trên vận hành trong không gian “công khai, minh bạch”, sẽ là nền tảng để phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh - điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần nhất hiện nay. Có được môi trường cạnh tranh sẽ thoát khỏi rất nhiều nỗi lo hiện tại cho số phận của khu vực doanh nghiệp bản địa Việt Nam, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân”, PGS.TS Trần Đình Thiên khẳng định.

Ngoài ra, áp dụng hệ thống khuyến khích “thưởng người thắng” thay cho cách điều hành nền kinh tế theo nguyên lý “chọn người thắng”. Đồng thời, xác lập cách tư duy - tiếp cận mới về “mời gọi đại bàng” và “làm tổ cho đại bàng đến đẻ trứng”.

Đặc biệt, “Khởi nghiệp quốc gia” cần được thiết kế lại đúng tầm, đúng yêu cầu thời đại để nhanh chóng “thay máu doanh nghiệp” cho nền kinh tế. Để làm được điều này, cần tập trung chú ý đến cách xây dựng hệ thống thể chế phù hợp, ứng dụng khoa học công nghệ cao.

Nhìn chung, bên cạnh cơ hội, các FTA đã và đang gia tăng sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế và doanh nghiệp đòi hỏi sự tuân thủ "luật chơi" theo tiêu chuẩn cao để tận dụng được cơ hội và hạn chế tranh chấp thương mại như quy tắc xuất xứ để ngăn chặn gian lận thương mại và chuyển tải bất hợp pháp, không để Việt Nam trở thành "sân sau" cho các nước khác lợi dụng để xuất khẩu vào các thị trường dành ưu đãi theo FTA cho Việt Nam.

Bảo Bảo