Doanh nghiệp gỗ trước thách thức "gỗ sạch"

00:00 12/10/2020

Muốn tận dụng được cơ hội khi Việt Nam và EU ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), doanh nghiệp phải đảm bảo 100% gỗ sạch.

Để ngành gỗ mở rộng được thị trường hay tăng giá trị của các sản phẩm, các doanh nghiệp chế biến gỗ cần kiên quyết và kiên trì nói không với gỗ bất hợp pháp.

Hầu hết các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và nội thất xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được hưởng mức thuế 0% khi EVFTA có hiệu lực. Mức thuế này được áp dụng cho các sản phẩm gỗ chế biến và sản phẩm gỗ (mức thuế trước EVFTA là 3%); đồ nội thất bằng tre hoặc mây (mức thuế trước là 5,6%); ván ép gỗ (trước là 4%), đồ trang trí bằng gỗ (trước là 3%).

Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội xuất khẩu là vấn đề không hề đơn giản đối với các doanh nghiệp nội. Theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), hiện kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam còn chiếm một tỷ trọng quá nhỏ bé so với giá trị tiêu thụ đồ gỗ trên toàn thế giới đạt khoảng 467,7 tỉ USD/năm.

Điểm mấu chốt vẫn là sản phẩm có giá trị cao, hướng tới các thị trường khó tính luôn đòi hỏi các quy trình nghiêm ngặt về nguồn gốc gỗ, trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa gây dựng được uy tín đối với thị trường này, ông Hạnh cho biết.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ sẽ có nhiều cơ hội gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu gỗ, nhất là những mặt hàng giá trị cao vào thị trường EU. Tuy nhiên đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng dần tính chuyên nghiệp hóa để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu, nhất là nguồn gốc gỗ hợp pháp.

“Việt Nam là nước có diện tích trồng rừng và khai thác rừng khá lớn nhưng nguồn nguyên liệu có chất lượng và hợp pháp của Việt Nam lại hạn chế. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải có những thay đổi lớn về nhận thức để lựa chọn những thị trường gỗ đảm bảo nguồn gốc hợp pháp”, ông Quyền chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Scansia Pacific cho rằng, Hiệp định VPA/FLEGT sẽ tạo ra nhiều thuận lợi để có thể thâm nhập các thị trường rộng lớn. Tuy nhiên, đây cũng chính là thách thức đối với doanh nghiệp khi phải giải trình nguồn gỗ hợp pháp. Hiện doanh nghiệp cũng phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ nước ngoài nên để chứng minh nguồn gốc hợp pháp, buộc doanh nghiệp phải tìm hiểu và lựa chọn đối tác có gỗ sạch. Qua đó mới đáp ứng được những tiêu chuẩn để có thể xuất khẩu vào thị trường EU trong những năm tới.

Trên thực tế, trong khoảng 4.500 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản hiện nay thì có đến 93% là có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, không tập trung. Trong khi đó, nguồn gỗ từ rừng trồng trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, khối lượng gỗ nhập khẩu hàng năm rất lớn và từ nhiều thị trường khác nhau. 

Trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 1,88 tỷ USD, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm 2017. Những thị trường nhập khẩu chủ yếu trong 9 tháng đầu năm gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Chi Lê, Đức, Brazil, Pháp, New Zealand, chiếm 60% giá trị kim ngạch nhập khẩu.

Chính vì vậy, việc lựa chọn thị trường gỗ nhập khẩu, đảm bảo 100% gỗ sạch là một thách thức không hề nhỏ. Tuy nhiên, Hiệp định VPA/FLEGT lại đem đến cho các doanh nghiệp cơ hội có thể xuất khẩu nhiều mặt hàng khác nhau.

Theo đó, doanh nghiệp có thể đầu tư nhiều thiết bị công nghệ hiện đại, dây chuyền tự động hóa để sản xuất các mặt hàng cao cấp, từ đó nâng cao giá trị xuất khẩu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, để ngành gỗ mở rộng được thị trường hay tăng giá trị của các sản phẩm, các doanh nghiệp chế biến gỗ cần kiên quyết và kiên trì nói không với gỗ bất hợp pháp. Các yêu cầu này cần được coi là cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh.