Cuộc đua tiếp thị trực tuyến

00:00 12/10/2020

Mới chớm nở nhưng thị trường tiếp thị trực tuyến hứa hẹn nhiều tiềm năng, thực tế doanh nghiệp muốn thu hút đông đảo khách hàng và bán được sản phẩm đều cần phải sử dụng kênh tiếp thị này. Liệu rằng doanh nghiệp Việt Nam có nắm được cơ hội để nâng cao thị phần?

Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến Việt Nam 2019 với chủ đề “Cá nhân hóa trải nghiệm” diễn ra ngày 14/8 là sự kiện thường niên của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) về tiếp thị trực tuyến với quy mô toàn quốc nhằm thúc đẩy thị trường tiếp thị trực tuyến nói riêng cũng như thương mại điện tử (TMĐT) ngày một phát triển, đồng thời giúp các doanh nghiệp (DN) tiếp cận những xu thế mới của tiếp thị trực tuyến thế giới.

Cơ hội rộng mở

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), tốc độ tăng trưởng TMĐT ở Việt Nam rất nhanh, khoảng 30%/mỗi năm. Dung lượng thị trường TMĐT Việt Nam đang đứng thứ hai Đông Nam Á, sau Indonesia, với khoảng 40 triệu người mua sắm trực tuyến.

Trung bình, người tiêu dùng Việt Nam chi 210 USD/năm cho hoạt động mua sắm trực tuyến. Người tiêu dùng ngày càng nhanh nhạy nắm bắt tiện ích TMĐT, tìm kiếm thông tin sản phẩm, so sánh giá cả…, đồng thời nhu cầu cũng trở nên tinh tế, khắt khe hơn. Thực tế này đòi hỏi DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ phải tìm các phương thức tiếp thị mới để tiếp cận khách hàng.

Bà Lê Minh Trang, đại diện công ty Nielsen Việt Nam, dự báo tốc độ tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại Việt Nam đến năm 2022 sẽ đạt mức 8% mỗi năm, ngang bằng khi so sánh với các quốc gia phát triển.

Đến năm 2022, doanh thu dự báo từ ngành FMCG toàn cầu sẽ đạt 100 tỷ USD. Làm thế nào để mình trở thành người chiến thắng khi tham gia thị trường FMCG vẫn là câu hỏi đang được nhiều nhà đầu tư, các DN kinh doanh trực tuyến rất quan tâm.

Phát triển FMCG chịu sự chi phối rất lớn từ việc thấu hiểu tâm lý của người tiêu dùng. Trong đó, cần xác định được đối tượng khách hàng của FMCG với 3 thế hệ khác nhau, bao gồm những đối tượng khách hàng sinh sau năm 1995, những người sinh sau năm 1980 và những người sinh sau năm 1960. Do vậy, nhà sản xuất cần đảm bảo được chất lượng sản phẩm, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ cũng như sự linh hoạt trong việc lựa chọn các kênh tiếp thị trực tuyến cùng với các phương thức thanh toán và dịch vụ hậu mãi.

Thị trường tiếp thị trực tuyến ngày càng sôi động

Theo ông Trần Văn Trọng, đại diện VECOM, khi nhu cầu mua sắm ngày càng phong phú và đa dạng trong điều kiện hạn hẹp về thời gian, khách hàng luôn chủ động lựa chọn tìm kiếm những thông tin họ muốn tiếp cận và loại bỏ những thông tin không cần thiết. Trung bình chỉ trong vòng 10 giây, khách hàng sẽ quyết định có tiếp tục mua hàng hay sẽ chuyển sang các trang bán hàng khác. Vì vậy, hoạt động cá nhân hóa trải nghiệm, quảng cáo và khuyến mãi là xu hướng tất yếu để thương hiệu bán lẻ tăng doanh số thành công.

Ông Nguyễn Dương, nhà sáng lập và Chủ tịch Cempartner – tư vấn và đào tạo trải nghiệm khách hàng, cho rằng chính trải nghiệm khách hàng giúp DN chinh phục người dùng chứ không phải là giá thành sản phẩm.

“Ngày xưa có nhiều yếu tố để tạo khác biệt, có thể dùng sản phẩm hoặc kênh phân phối. Giờ đây, sản phẩm, kênh phân phối, cũng như khả năng sở hữu thông tin không là của riêng ai nên trải nghiệm khách hàng mới chính là yếu tố làm DN này khác với DN kia, yếu tố quan trọng nhất trong cạnh tranh”, ông Dương nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Việt không chậm chân

Theo ông Cao Vương, đại diện một DN cung cấp nền tảng đào tạo online cho DN, người tiêu dùng đứng trước “rừng” sản phẩm khác nhau, đưa giải pháp tiếp thị trực tiếp thông minh sẽ giúp phát hiện chính xác đối tượng khách hàng mà DN mình cần hướng tới. Ví dụ, bán mỹ phẩm có thể phát hiện chính xác độ tuổi khách hàng nào có nhu cầu, đối tượng là nam hay nữ, ở vùng miền nào.

Tiếp thị trực tuyến là giải pháp bắt buộc DN phải sử dụng nếu muốn tiếp cận tới số lượng khách hàng đông đảo, thay vì quảng cáo trên các kênh truyền thống quá tốn kém. DN nên sẵn sàng tìm hiểu công cụ chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng, qua đó có doanh thu lớn hơn.

Hiện nay, nhiều DN Việt Nam đã nắm bắt được ý nghĩa của việc sử dụng giải pháp tiếp thị trực tuyến, nên thị trường này đang khá sôi động với sự tham gia cung cấp giải pháp của cả DN trong và ngoài nước. Đồng thời cũng hứa hẹn cuộc cạnh tranh rất khốc liệt.

Ông Vương cho biết DN của ông đang sử dụng một sản phẩm tiếp thị trực tuyến của nước ngoài. Sản phẩm này có ưu thế vượt trội, tích hợp sâu trí tuệ nhân tạo (AI) và tập hợp dữ liệu lớn (Big Data), đó sẽ là thách thức cho DN tiếp thị Việt Nam.

“Mở cửa thị trường, chúng ta sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm ngoại, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của DN Việt, do vậy DN tiếp thị trực tuyến Việt Nam phải nỗ lực hơn nữa để đưa ra các giải pháp có thể cạnh tranh và cung cấp giá trị tốt nhất cho DN Việt Nam. Chỉ những sản phẩm nào tốt nhất mới được DN lựa chọn”, ông Vương đánh giá.

Trong khi đó, đại diện CTCP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY), đánh giá xu hướng tiếp thị trực tuyến là cầu nối trực tiếp DN và người tiêu dùng. Tuy nhiên, khó khăn chung là mức độ tiếp cận của người dân với công nghệ còn chênh lệnh giữa các vùng miền, mức độ ứng dụng công nghệ ở nông thôn và thành thị khác nhau. Đây cũng là khó khăn cho các DN cung cấp giải pháp tiếp thị trực tuyến.

Báo cáo chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2019 của VECOM cho thấy phần lớn hoạt động TMĐT hiện nay diễn ra ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM, ngoài ra còn có ở một số địa phương liền kề như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai và Bình Dương.

Các thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ mặc dù đang đẩy mạnh phát triển TMĐT nhưng hoạt động kinh doanh trực tuyến còn yếu và có nguy cơ tụt lại so với 2 thành phố dẫn đầu.

Ước tính, Hà Nội và Tp.HCM chiếm tới 70% giao dịch TMĐT. Vì vậy, VECOM cho rằng khu vực nông thôn có tiềm năng tiêu thụ lớn, đồng thời cũng là nơi cung cấp sản phẩm đa dạng phù hợp với bán hàng trực tuyến. Để làm được điều này đòi hỏi phải thu hẹp khoảng cách số giữa các địa phương, đặc biệt phải hỗ trợ khu vực nông thôn bán hàng trực tuyến.

Lê Thúy