Còn 1 tuần để cắt giảm 2.690 thủ tục, điều kiện kinh doanh!

00:00 12/10/2020

Hiện còn tới 2.690 ĐKKD (45,55%) đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể thuộc trách nhiệm 14 bộ, ngành đang thực hiện quy trình cắt giảm. Trong khi đó, thời hạn cuối cùng của việc cắt giảm sẽ kết thúc vào 15/8….

Ảnh minh họa

Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong Nghị quyết 01/NQ-CP ban hành ngày 1/1/2018, Thủ tướng yêu cầu tất cả các bộ, ngành rà soát các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) và Thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN), yêu cầu cắt giảm 50% số hiện có, tức là phải cắt giảm 50% trong tổng số 5.905 ĐKKD.

“Về thực tế, đến nay đã chính thức cắt giảm được 900 ĐKKD. Một số bộ đã vào cuộc mạnh mẽ, trong đó Bộ Xây dựng cắt giảm 85% ĐKKD, Bộ Công Thương cắt giảm 55% (675 ĐKKD)…” – ông Mai Tiến Dũng thông tin.

Theo Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, với việc cắt giảm 900 ĐKKD nêu trên thì mới đạt tỷ lệ 15,2%; còn 2.690 ĐKKD (45,55%) đã có phương án tiếp tục cắt giảm nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể thuộc trách nhiệm 14 bộ, ngành đang thực hiện quy trình cắt giảm. Trong khi đó, thời hạn cuối cùng của việc cắt giảm 2.690 ĐKKD sẽ kết thúc vào 15/8.

“Như vậy, nếu hoàn thành vào ngày 15/8 sẽ đạt tỷ lệ cắt giảm 60,75% ĐKKD và KTCN, vượt tinh thần của Nghị quyết 01/NQ-CP. Tuy nhiên, hiện nay còn 7 bộ đang thực hiện chậm, chưa bảo đảm mục tiêu đặt ra” – ông Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trước đây, chi phí cho KTCN và tuân thủ các ĐKKD là rất lớn. Theo báo cáo của CIEM (Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), năm 2016, chi phí cho thông quan một năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,8 triệu ngày công tương đương 14,2 nghìn tỷ đồng.

“Đây là rào cản rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.” – Bộ trưởng nói và cho biết, theo báo cáo của các bộ, ngành cho thấy, lợi ích của việc cắt giảm mang lại rất lớn.

Bộ trưởng nêu ví dụ: Lĩnh vực hải quan, năm 2016 các doanh nghiệp phải tốn 28,8 triệu ngày công cho KTCN với chi phí 14.200 tỷ đồng thì năm 2017, chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Ước tính với trên 11 triệu tờ khai của năm 2017, doanh nghiệp tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan (tương đương hơn 4.000 tỷ đồng); tiết kiệm 16 triệu giờ lưu kho đối với 5,36 triệu tờ khai xuất khẩu và tiết kiệm 34 triệu giờ lưu kho đối với 5,72 triệu tờ khai nhập khẩu.

“Như vậy, khi thực hiện cải cách đã góp phần giảm tiêu cực rất nhiều so với thời gian trước đó.” – ông Mai Tiến Dũng khẳng định.

Về lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP đã cắt giảm hoàn toàn thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với 5 nhóm sản phẩm, 90% lô hàng thực phẩm không phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan (chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm), giúp tiết kiệm gần 2,9 triệu ngày công, tương đương 2.500 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh năm 2017 tại Việt Nam, thời gian thông quan trực tiếp tại các của khẩu đối với hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 giờ xuống 55 giờ); đối với hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 giờ xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm được 19 USD.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, mặc dù đánh giá cao sự quyết tâm của các bộ, ngành trong việc rà soát, cắt giảm ĐKKD, nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng chưa hài lòng với kết quả đã đạt được vì thời hạn 15/8 sắp đến nhưng số cắt giảm chính thức mới là 15.2%.

Do vậy, mỗi cuộc họp Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng đều có báo cáo nêu rất rõ ràng, minh bạch những Bộ, ngành làm tốt; những đơn vị đang làm và những đơn vị chưa làm... Đồng thời, thông tin cũng được công khai đến báo chí để thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang tập trung xây dựng thể chế giúp cho xã hội minh bạch và tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Theo đó, ngày 13/7/2018, VPCP đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị số 20/CT-TTg yêu cầu người đứng đầu các Bộ, ngành phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực chất việc cắt giảm ĐKKD và thủ tục KTCN, coi đây là một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ thị cũng nêu trước 15/8/2018 phải ban hành theo thẩm quyền và trình Chính phủ ban hành các văn bản thực thi phương án cải cách chuyên ngành và cắt giảm ĐKKD.

“Với tinh thần rất quyết liệt, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản gửi các Bộ trưởng, người đứng đầu các ngành đề nghị các Bộ, ngành đôn đốc để tại phiên họp Chính phủ tháng 8 báo cáo đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các việc hoàn thành; phân định rõ đơn vị nào làm tốt, đơn vị nào đang vướng mắc cũng như vướng mắc ở đâu. Hiện nay, VPCP đang cùng các bộ, ngành đốc thúc việc rà soát, cắt giảm để sớm hoàn thành, đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp” – Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói.

Xuân Hưng