Cảnh giác với hai thủ đoạn mạo danh ngân hàng để lừa đảo

00:00 12/10/2020

Trong đời sống xã hội, các đối tượng lừa đảo luôn tìm phương thức, thủ đoạn mới nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.
Dưới đây là 2 thủ đoạn mạo danh ngân hàng để lừa đảo vừa được cơ quan công an phát giác, người dân cần nhận biết và nâng cao cảnh giác, tránh là nạn nhân với loại hình lừa đảo này.
   
 Ảnh minh họa
Ngày 27/10, Công an tỉnh Quảng Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Mạnh Hà (SN 1983, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước đó, do kinh doanh thua lỗ, Hà đã tự nghĩ ra thủ đoạn thuê địa điểm, giả mạo mở chi nhánh của một ngân hàng nhằm lừa đảo, chiếm dụng tiền của người dân đến gửi. Theo đó, Hà thuê địa điểm tại khu đô thị Bãi Muối, phường Cao Thắng, TP Hạ Long để mở “chi nhánh ngân hàng”. Nhằm tránh bị phát hiện, Hà thu thập thông tin, tìm đúng ngân hàng chưa có chi nhánh tại Hạ Long để mạo danh. Sau thời gian chuẩn bị, ngày 1/10, Hà đã khai trương “chi nhánh ngân hàng” và bí mật mua nhiều lẵng hoa mừng khai trương để lừa bịp, tạo tin tưởng cho người dân quanh khu vực. Nhằm thu hút “con mồi”, Hà quảng cáo gửi tiền với lãi suất rất cao và nhiều quà tặng có giá trị theo mức tiền gửi. Cơ quan công an xác định, gần một tháng sau khi khai trương, đã có ít nhất 4 nạn nhân bị Hà lừa đảo với tổng số tiền là 160 triệu đồng. Hiện tại, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.
Một thủ đoạn lừa đảo khác vừa được cơ quan công an ngăn chặn, đó là mạo danh ngân hàng để ký hợp đồng mua hàng với nhiều cửa hàng kinh doanh điện tử trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Với chiêu bài cần mua đồ điện tử để tổ chức sự kiện chăm sóc khách hàng cho ngân hàng, Phạm Thanh Tuấn (SN 1981, trú tại TP Hồ Chí Minh) đã làm giả con dấu, thiết kế giả chữ ký, giả hợp đồng của một ngân hàng có uy tín để lừa các chủ hàng. Thủ đoạn lừa đảo của đối tượng Tuấn khá tinh vi. Theo đó, Tuấn mạo danh là Trưởng phòng khách hàng cá nhân đến cửa hàng bán đồ điện tử tại đường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Hồ Chí Minh) yêu cầu báo giá một số sản phẩm điện tử cao cấp. Sau đó, Tuấn liên hệ với một công ty khác làm trung gian việc mua hàng giữa cửa hàng do đối tượng chỉ định và ngân hàng. Tin tưởng những lời giảo hoạt và một số giấy tờ Tuấn làm giả mạo, công ty do Tuấn liên hệ đã đồng ý với hợp đồng mua bán giữa ngân hàng với công ty. Theo thỏa thuận hợp đồng, công ty sẽ làm trung gian việc lấy hàng, giao hàng và thanh lý hợp đồng với ngân hàng sau 7 ngày. Thời điểm nhân viên công ty đến giao hàng, với lý do ngân hàng đã đóng cửa nên Tuấn yêu cầu giao, nhận tại một cửa hàng ăn uống gần đó. Tuấn ranh mãnh không trực tiếp nhận mà nhờ một người khác cầm hợp đồng đến nhận hàng giúp. Cầm tổng số hàng có giá trị khoảng 550 triệu đồng, Tuấn cao chạy xa bay. Ngày 28/7/2016, Tuấn đã bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ với hành vi làm giả con dấu, giấy tờ của cơ quan tổ chức và lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bước đầu, cơ quan công an xác định, với thủ đoạn tương tự, trong vòng một tháng (đầu tháng 6 – 7/2016), Tuấn đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 4 cửa hàng kinh doanh điện tử với giá trị ước tính gần 2 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều dấu hiệu cho thấy danh sách nạn nhân mà Tuấn lừa đảo không dừng lại con số đã xác định được. Hiện, cơ quan công an đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ.
Theo Kinhtedothi.vn