Cảnh báo trước cơn bão Molave

11:13 27/10/2020

Trước cơn bão số 9 có tên quốc tế là Molave sắp đổ bộ vào nước ta, sáng 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó bão và kiểm tra chỉ đạo ứng phó bão tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tất cả các cơ quan, địa phương đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân để hạn chế thiệt hại.

Trước cơn bão số 9 có tên quốc tế là Molave sắp đổ bộ vào nước ta, sáng 26-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến chỉ đạo ứng phó bão và kiểm tra chỉ đạo ứng phó bão tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn. Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tất cả các cơ quan, địa phương đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân để hạn chế thiệt hại. Từ dự báo, chúng ta đề cao cảnh giác, có biện pháp phòng chống, ứng phó chủ động trước khi bão đến mà chúng ta xác định vùng ảnh hưởng từ nam Nghệ An đến Khánh Hòa...

Ảnh họp trực tuyến Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ứng phó bão ngày 26/10/2020.

Không chỉ trước cơn bão số 9 này mà trước đây, Thủ tướng Chính phủ luôn chỉ đạo sát sao việc ứng phó trước diễn biến bất thường của thời tiết; đặc biệt coi trọng việc phòng chống hiểm họa của thiên thông qua tác dự báo thời tiết.

Thế nhưng, cần phải thẳng thắn với nhau rằng, lâu nay, tại một số ngành, một số địa phương, việc tổ chức phòng chống thiên tai còn nặng hình thức; chỉ đạo chưa quyết liệt; thiếu kiểm tra, đôn đốc việc phòng chống nguy cơ hiểm họa của thiên nhiên. Chỉ khi thiên tai xảy ra, gây thiệt hại khôn lường, lược lượng cứu hộ mới ứng cứu, giải quyết hậu quả.

Rồi đây, công tác phòng chống, khắc phục thiên tai sẽ được các ngành, các cấp tổng kết, rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, trước sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng về ứng phó với cơn bão số 9, chúng tôi đã tiếp xúc với một số nhà chuyên môn, tổng hợp nêu một số nguyên nhân dẫn đến hạn chế của công tác cảnh báo thiên tai như sau:

Trước hết, do mạng lưới trạm quan trắc còn thiếu, độ chính xác chưa cao và một số nguyên nhân khác nên lâu nay, các bản tin dự báo thời tiết chưa chi tiết, chưa cụ thể; chưa đáp ứng yêu cầu độ tin cậy trong cảnh báo về thời gian, khu vực ảnh hưởng…; đặc biệt là dự báo về cường độ mưa lớn, lũ quét, ngập lụt. Thực tế này phần nào khiến cho địa phương bị động trong phòng chống, giảm rủi ro thiên tai.

Một nguyên nhân quan trọng nữa đó là hiện nay chúng ta chưa có bản đồ quy mô Quốc gia về tai biến Địa chất, từ đó đưa ra các vị trí cảnh báo cho vùng đó. Lẽ ra, chúng ta cần có bản Quy phạm về ứng phó thiên tai hoàn chỉnh, chi tiết, có tính chất định lượng theo từng cấp độ bão, cấp báo động lũ, cấp dự báo cháy rừng, v.v. Theo mỗi cấp độ, địa phương và ban ngành phải ứng phó ra sao? Cấp càng cao thì càng cần đến Ủy ban ứng phó ở cấp cao hơn...

Bên cạnh đó, một số địa phương chỉ đạo chưa quyết liệt; thiếu kiểm tra, đôn đốc việc phòng chống nguy cơ hiểm họa của thiên nhiên. Tại cuộc họp trực tuyến sáng 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Phải bảo đảm an toàn cho người dân, cả trên tàu, trên lồng bè. Cứu người là quan trọng nhất, cho nên, tất cả các giải pháp có thể được, kêu gọi tàu bè, di dời dân cũng như khi tàu vào rồi thì cương quyết đưa ngư dân lên bờ, ngư dân trên lồng bè phải lên bờ. Đây là kinh nghiệm khi trước đây, đã vào trú tránh gần bờ nhưng vẫn xảy ra sự cố mất an toàn. Vì những con tôm hùm, lồng bè cá mà người chủ giữ ngư dân lại, không cho lên bờ, trách nhiệm đó phải xử lý nghiêm. Cho nên, tàu thuyền phải vào bờ sớm, neo đậu tránh va đập. Đi liền với đó, chủ động sơ tán dân ở vùng thấp, ven biển bởi có nhận định, vùng ven biển có sóng lớn. Các địa phương đều phải có phương án di dời dân một cách phù hợp, không để ảnh hưởng tính mạng người dân sống ven biển”.

Đây là sự chỉ đạo vô cũng sát sao của người đứng đầu Chính phủ. Thế nhưng, lâu nay, trước hiểm họa của thiên nhiên, mặc dù Thủ tướng đã phát đi công điện tới các ngành, các cấp chỉ đạo phòng chống nhưng có nơi, chính quyền dường như bất lực trước sự chây ì của người dân. Một số ngư dân tiếc con tôm con cá, vẫn bám biến mà chính quyền không có biện pháp mạnh để xử lí. Nhiều hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở núi, chính quyền địa phương vẫn không biết, hoặc biết nhưng không có biện pháp mạnh để buộc dân đi sở tán, dẫn đến tại họa khôn lường.v.v.

Một cơ bão có cường độ lớn lại sắp đổ bộ vào nước ta. Hi vọng rằng, các cấp, các ngành và người dân trong vùng ảnh hưởng của cơn bão sẽ chấp hành nghiêm túc hơn sự chỉ đạo của Thủ tướng và chắc chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra.

Cao Thâm