Các địa phương quyết liệt chống hạn hán và xâm nhập mặn

00:00 12/10/2020

Các địa phương nằm trong khu vực hạn hán, bị xâm nhập mặn đang có những biện pháp cấp bách nhằm giảm thiểu thiệt hại, dần thích ứng với những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến này.

Hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Ngọc Trinh. Hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Ngọc Trinh. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu mưa… Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại nặng nề và tiếp tục đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất, dân sinh. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng là Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Theo dự báo, El Nino tiếp tục ảnh hưởng và kéo dài đến giữa năm 2016, trở thành El Nino kéo dài nhất được ghi nhận ở nước ta. Trong thời gian còn lại của mùa khô, ở Đồng bằng sông Cửu Long, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1,5 độ C, cao nhất đạt 33-37 độ C, mùa mưa sẽ đến muộn, lượng mưa thiếu hụt so với TBNN từ 30-60%; dòng chảy hệ thống sông thiếu hụt so với TBNN từ 30-50%. Do mùa mưa năm 2015 đến muộn và kết thúc sớm, dòng chảy thượng nguồn sông Mekong bị thiếu hụt, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 2 tháng, chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn, trong đó các khu vực bị ảnh hưởng nặng nền nhất là khu vực sông Vàm Cỏ, các cửa sông thuộc sông Tiền, các cửa sông thuộc sông Hậu, ven biển Tây (trên sông Cái Lớn)... Theo dự báo, mùa khô năm 2015-2016, xâm nhập mặn có khả năng kéo dài đến đầu tháng 6/2016, muộn hơn cùng kỳ TBNN khoảng gần 2 tháng. Cụ thể, tình hình xâm nhập mặn từ tháng 3 trở đi như sau: Các vùng cách biển 30 đến 45 km, nguồn nước ngọt xuất hiện rất ít và gần như không có khả năng lấy nước ngọt từ cửa sông, gây ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Các vùng cách biển từ 45-65 km, có khả năng bị mặn cao (> 4g/l) xâm nhập; nếu mùa mưa đến chậm, xâm nhập mặn có thể kéo dài đến tháng 6/2016; trong thời kỳ này, vào những đợt triều cường mặn sẽ xâm nhập sâu. Vùng cách biển xa hơn 70-75 km tuy ít gặp xâm nhập mặn 4g/l, nhưng cũng cần lưu ý trong các đợt triều cường và vẫn là vùng xâm nhập của nước mặn nồng độ dưới 4g/l, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt. Được dự báo trước tình hình khô hạn mùa khô 2015-2016 sẽ trở nên gay gắt, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, Đồng Nai đã chủ động sớm triển khai đồng loạt nhiều giải pháp ứng phó và khắc phục hậu quả của hạn hán. Nhờ đó, nhiều cánh đồng từng cháy khô khi xảy ra hạn hán ở các huyện miền núi như Tân Phú, Định Quán... hiện nay vẫn xanh tốt, đạt năng suất cao. Tại những nơi có nguy cơ hạn hán cao, tình hình chống hạn luôn được cập nhật, kịp thời xử lý khi có biến động. Thời gian qua, Đồng Nai đã đầu tư mới, nâng cấp một số công trình thủy lợi nhằm bảo đảm nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, có những dự án lớn như: hồ Gia Măng (huyện Xuân Lộc), hồ Cầu Dầu (thị xã Long Khánh), dự án thủy lợi phục vụ tưới vùng mía huyện Định Quán, dự án nạo vét các tuyến kênh rạch Ông Kèo để trữ nước, ngăn mặn cho huyện Nhơn Trạch. Bên cạnh đó, nhiều địa phương ở Đồng Nai đã tận dụng tốt các nguồn nước có sẵn tại nội đồng bằng việc tổ chức nạo vét kênh mương, xây thêm đập tạm tại các kênh tiêu để tận dụng lại nguồn nước rò rỉ, thẩm thấu từ các ruộng xuống các kênh tiêu. Ngoài ra, việc đẩy mạnh chuyển đổi mùa vụ, cây trồng từ chuyên canh cây lúa sang xen canh vụ ngô, hoa màu đã tiết kiệm được nguồn nước tưới rất lớn. Tại Đồng Nai, người dân cũng bắt đầu áp dụng những mô hình sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, trồng cỏ đậu phộng trong vườn cây nhằm giữ độ ẩm cho đất, làm giàu chất đất, giúp tiết kiệm nước và chi phí cho nông dân khi ứng phó với khô hạn. Việc tuyên truyền, vận động nông dân có ý thức sử dụng nước tưới tiết kiệm mang ý nghĩa rất lớn trong công tác chống hạn. Bên cạnh đó, các hành vi sử dụng nước tưới lãng phí, phá hoại làm thất thoát nguồn nước tưới cũng được xử lý nghiêm. Còn tại Bạc Liêu, thực hiện mô hình tưới ngập khô xen kẽ trong chương trình "1 phải - 5 giảm" và ứng phó với tình trạng khô hạn, tỉnh đã tổ chức 16 điểm trình diễn trên diện tích 650 ha với 600 hộ nông dân tham gia. Kết quả cho thấy, năng suất lúa đạt hơn 7 tấn/ha vụ Thu Đông, tăng hơn 0,5 tấn/ha so với ruộng lúa ngoài mô hình. Việc thực hiện mô hình giúp lợi nhuận tăng thêm 6,2 triệu đồng/ha. Kể từ 7 giờ sáng ngày 5/3, hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) bắt đầu xả nước để đẩy mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn. Đây là đợt xả nước lần thứ 5 và đợt xả nước có thời gian dài nhất là 6 ngày (144 giờ), kể từ đầu năm 2016. Mục đích của việc xả nước lần này là để phục vụ cho việc đẩy mặn cho vùng hạ du sông Sài Gòn. Cụ thể là tạo nguồn nước ngọt cho nhà máy nước Tân Hiệp (TPHCM) hoạt động, đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân Thành phố. Các số liệu quan trắc cho thấy, nguồn nước lấy từ sông Sài Gòn hiện nay không còn đáp ứng được theo quy chuẩn một số chỉ tiêu (độ mặn đã vượt quá 25 mg/lít). Việc lọc, cung cấp nước ngọt cho người dân Thành phố đang gặp khó khăn, nên ngày 26/2, Nhà máy nước Tân Hiệp có công văn yêu cầu Công ty Khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa xả nước theo kế hoạch đã ký kết giữa hai bên. Do ảnh hưởng của xâm nhập mặn và nắng nóng kéo dài trong 2 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có hơn 17.000 hộ dân, với hơn 68.990 người ở vùng nông thôn phải chịu cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt gay gắt. Số hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt tập trung chủ yếu ở các vùng dọc theo sông Cổ Chiên. Đây là những vùng nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn, mặn không thể khai thác sử dụng. Tại các vùng dân cư này đã được bố trí 10 trạm cấp nước sạch sinh hoạt được lấy từ nguồn nước mặt. Tuy nhiên, do độ mặn sông Cổ Chiên tăng cao, nhập sâu vào các kênh, rạch 55-70 km, nguồn nước mặt tại các trạm cấp nước sạch sinh hoạt có độ mặn từ 2-6 ‰, cao hơn 3-4 lần so với quy chuẩn nước sinh hoạt. Không có nước ngọt, người dân phải đi chở hoặc mua nước ngọt để uống và sử dụng các nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống một cách rất tiết kiệm. Sở NN&PTNT Trà Vinh đã đề nghị UBND tỉnh dành nguồn kinh phí hơn 34 tỉ đồng để hỗ trợ cho dân mua phương tiện chứa nước và hóa chất xử lý nước (PAC). Tranh thủ khi thủy triều xuống thấp, nước ngọt từ thượng nguồn đổ về, độ mặn tại các kênh rạch xuống thấp dưới 0,5 ‰, người dân dự trữ và xử lý hóa chất để sinh hoạt trong khoảng thời gian còn lại của mùa khô hạn năm nay. Trong khi đó, tại Gia Lai, tình trạng hạn hán gay gắt và kéo dài gây thiệt hại nặng cho các cây trồng vụ Đông Xuân 2015-2016. UBND tỉnh đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành chức năng hỗ trợ kinh phí để triển khai thực hiện các phương án chống hạn và khôi phục sản xuất ở những vùng bị thiệt hại nặng như mua xăng, dầu bơm tưới chống hạn, nạo vét kênh mương, hồ đập, công trình cấp nước sinh hoạt, mua giống cây trồng cấp cho nông dân chuẩn bị vụ mùa 2016. Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương và các đơn vị chức năng tích cực chủ động thực hiện các phương án chống hạn trên cơ sở phát huy nội lực; đồng thời vận động nông dân dồn sức chống hạn để cứu vãn các loại cây trồng trên những chân ruộng của mình.

T.Minh (tổng hợp)