Blockchain: cầu nối trực tiếp giữa thương hiệu với công chúng

00:00 12/10/2020

Blockchain có thể giải quyết những bài toán căn bản của ngành quảng cáo trực tuyến hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Blockchain là một công nghệ cho phép lưu trữ và truyền tải các thông tin giao dịch diễn ra giữa các mạng đồng đẳng (peer-to-peer network). Thuộc tính của công nghệ này là minh bạch, không thể thay đổi và bảo mật – điều  khiến nó trở nên đáng tin cậy cho các ứng dụng như quản lý chuỗi cung ứng, hợp đồng thông minh, quản lý thông tin cá nhân (ví dụ như y tế), giảm chi phí giao dịch, cho phép xác minh và trao đổi quyền sở hữu theo thời gian thực.

Theo ông Phạm Minh Trí, Giám đốc Điều hành của KardiaChain – một doanh nghiệp đang cung cấp các giải pháp hỗ trợ blockchain, công nghệ này sẽ giải quyết 3 vấn đề căn bản của quảng cáo trực tuyến:

+ Các thông số hiệu quả chiến dịch quảng cáo bị làm giả: Liên đoàn quảng cáo quốc tế (WFA) dự đoán rằng ngành quảng cáo trực tuyến sẽ mất 50 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2025 do những hành vi gian lận.

+ Quyền sở hữu với dữ liệu cá nhân: Các mạng xã hội hoặc ứng dụng ngày nay nghiễm nhiên kinh doanh dữ liệu cá nhân của khách hàng, hay các công ty thực hiện phân tích dữ liệu mà không hề hỏi qua ý kiến người dùng.

+ Vi phạm bản quyền nội dung: Nhưng đơn vị sản xuất nội dung chuyên nghiệp hiện nay chỉ thu được những khoản tiền khiếm tốn so với chi phí đầu vào. Số tiền thụ hưởng từ nội dung do chính mình sản xuất lại phải phụ thuộc vào chính sách của những nền tảng như Facebook hay Youtube.

Tuy có thể tạo ra những chuyển biến quan trọng trong tương tác giữa các nhà quảng cáo và công chúng, nhưng theo khảo sát vào tháng 2/2018 của tổ chức The CMO Survey, chỉ có 8% doanh nghiệp hiện nay đánh giá việc sử dụng blockchain vào tiếp thị ở mức độ quan trọng hoặc rất quan trọng. Vậy, hãy xem blockchain có thể thay đổi các vấn đề của quảng cáo trực tuyến như thế nào.

Ông Phạm Minh Trí là nhà sáng lập và cố vấn cho nhiều dự án start- up công nghệ tại London (Anh), với kinh nghiệm hơn 10 năm trong nhiều lĩnh vực như ứng dụng di động, tài chính và dịch vụ.

Hiện nay ông là Giám đốc Điều hành KardiaChain, nền tảng đầu tiên cho phép kết nối các blockchain thông qua nhiều giao thức.

Cắt bỏ trung gian

Năm 2016, công ty phát triển các giải pháp tiếp thị HubSpot đã công bố một nghiên cứu cho biết, đa số người dùng internet không thích các dạng pop-up, hay quảng cáo di động. Phản ứng ngày càng phổ biến của người dùng là cài đặt ứng dụng chặn quảng cáo. Đến năm 2020, ước tính việc chặn quảng cáo sẽ khiến các nhà xuất bản tiêu tốn 35 tỷ đô la Mỹ. Blockchain giải bài toán này bằng cách trả tiền trực tiếp cho người dùng trên mỗi lượt xem quảng cáo. Ví dụ, trình duyệt Brave do Brendan Eich – một trong những nhà sáng lập nên trình duyệt Firefox, đã áp dụng nền tảng blockchain, để người dùng có thể quyết định dạng quảng cáo họ muốn xem. Thay vì phải xem hàng tá quảng cáo rác, tại Brave người dùng tùy chọn những quảng cáo khiến họ hứng thú nhất, chọn thông tin sẽ chia sẻ với nhà tiếp thị, đồng nghĩa với việc các nền tảng trung gian như Facebook, Google bị loại bỏ hoàn toàn. Đổi lại, họ nhận được thanh toán bằng đồng tiền số BAT (Basic Attention Token). Dự đoán, có ba nhóm người tham gia vào “nền kinh tế BAT”:

  • Các nhà quảng cáo mua BAT để tài trợ các chiến dịch tiếp thị

  • Nhà xuất bản được thưởng BAT dựa trên cách người dùng tương tác với nội dung tiếp thị

  • Người dùng được thưởng BAT vì tương tác với quảng cáo và có thể sử dụng BAT để thanh toán phí bảo hiểm truy cập nội dung hoặc để hỗ trợ các nhà xuất bản đóng góp.

Hồi trả quyền sở hữu dữ liệu

Các nền tảng, ứng dụng ngày nay đang vô tư chiếm lấy quyền sở hữu dữ liệu cá nhân rồi âm thầm đem bán cho các nhà quảng cáo mà không hỏi qua ý kiến của người dùng. Công nghệ blockchain trả lại cho người dùng sự riêng tư này. Khi một cá nhân truy cập một website, sử dụng một app bất kì ứng dụng blockchain, các dữ liệu sẽ được ghi lại và bảo mật hoàn toàn. Ví dụ, một nhãn quần áo muốn sưu tập tệp dữ liệu các khách hàng trên 20 tuổi để triển khai chiến dịch quảng cáo. Thông qua các thuật toán của blockchain, người dùng đủ điều kiện với yêu cầu truy xuất thông tin của nhà quảng cáo sẽ chia sẻ với họ một bằng chứng mã hóa rằng, tôi trên 20 tuổi. Sau đó dựa trên niềm tin vào tính bảo mật (không thể sửa/xóa) của blockchain, nhà quảng cáo trả tiền trực tiếp cho tài khoản người cung cấp. Ở thời đại của blockchain, người dùng hoàn toàn có quyền kiểm soát dữ liệu cá nhân.

Minh bạch chiến dịch quảng cáo

Nhãn hàng thường không thể biết chi tiết cách thức chạy quảng cáo của đại lý truyền thông (agency). Điều này dễ dẫn đến việc gian lận chỉ số. Tuy nhiên, với công nghệ blockchain, các tiến trình sẽ đều trở nên minh bạch, nhãn hàng có thể thấy được ai đang xem quảng cáo của họ và cũng có thể biết liệu nó có được đưa đến đúng đối tượng theo kế hoạch hay không.

Ví dụ, theo tạp chí Havard Business Review, mỗi ngày có khoảng 135 tỷ email spam, chiếm tới 48% tổng số email được gửi. Nếu như với mỗi một email được mở, người gửi mất một khoản thanh toán rất nhỏ (micro payment) cho người nhận email, thì chi phi hoạt động spam sẽ tăng lên, và vì vậy spam mail sẽ bị hạn chế. Đồng thời, micro payment cũng sẽ giúp các công ty định lượng chính xác mức độ thu hút của chiến dịch quảng cáo nhờ vào số tiền phải trả trực tiếp với các lượt click.

Một công cụ khác có khả năng hỗ trợ các chiến dịch quảng cáo ở thời đại blockchain là hợp đồng thông minh. Hiểu đơn giản, công cụ này là một đoạn những dòng lệnh lập trình có điều kiện. Khi thỏa mãn hết các điều kiện, giao dịch được tiến hành, hợp đồng hoàn tất. Chẳng hạn một influencer trên Facebook cần đạt 1.000 like để nhận 100 USD từ nhãn hàng. Một hợp đồng thông minh được lập ra giữa hai bên; để nhận tiền, influencer phải chứng minh với hệ thống blockchain rằng mình đã 1.000 lượt thích với bài đăng cá nhân, việc kiểm tra tính thật giả của các lượt tương tác được hệ thống tự động kiểm soát. Khi đã thỏa mãn hết các điều kiện hợp đồng, hệ thống blockchain tự động chuyển tiền (đã được nhãn hàng gửi lên hệ thống từ lúc hợp đồng được thiết lập) cho influencer. Dĩ nhiên, nếu hợp đồng thất bại, doanh nghiệp sẽ nhận lại tiền và chịu một khoản phí với hệ thống blockchain mà thôi.

Bảo vệ bản quyền

Blockchain giúp tăng cường kiểm soát chất lượng và bảo vệ bản quyền. Hiện nay, trộm cắp nội dung trực tuyến là một vấn đề phổ biến và “người bị hại” có rất ít cơ chế để truy ra các khoản tiền bị mất. Trước tình trạng đó, công ty Kodak đã tạo ra một sổ cái kỹ thuật số thống kê sở hữu tác quyền hình ảnh cá nhân gọi là KODAKOne. Bằng việc mã hóa các hình ảnh mà mình sở hữu, trong tương lai các tác giả sẽ tự động được nhận thanh toán cho việc một bên khác sử dụng tác phẩm. Hãy suy nghĩ về một viễn cảnh các nghệ sĩ âm nhạc, nhà làm phim và nhiếp ảnh gia có thể cung cấp tác phẩm của họ cho một lượng lớn khán giả mà không phải trả tiền trung gian cho YouTube, Bandcamp, iTunes hoặc Shutterstock.

Chuyên gia tiếp thị số Vũ Văn Hiển đánh giá, hiện tại trên mặt bằng chung, hoạt động tiếp thị tại Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng các công cụ và nền tảng quảng cáo cơ bản, chưa có nhiều thay đổi, “vì người dùng chưa thay đổi hành vi” – theo ông Trí. Thêm nữa, để blockchain tạo được sức ảnh hưởng tới tiếp thị trực tuyến, cần có một hệ sinh thái blockchain liên kết chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn, công cụ tìm kiếm hình ảnh Google cũng có một sổ cái blockchain để đối chiếu, cập nhật qua lại những bằng chứng tác quyền trên blockchain của Kodak, khi người tìm kiếm tải về, họ sẽ thanh toán trực tiếp bằng ví điện tử cho tác giả nếu bức ảnh được xác nhận đồng thời trên hai hệ thống sổ cái.

Nguyễn Việt Dũng