Bhopal- đằng sau thảm hoạ công nghiệp tàn khốc nhất lịch sử

00:00 12/10/2020

(NBCL) 32 năm trước, những người dân nghèo chất phác tại trung tâm thành phố Bhopal (Ấn Độ) không thể ngờ rằng họ sẽ là nạn nhân của một trong những thảm họa công nghiệp tàn khốc nhất trong lịch sử. Hơn 3 thế kỷ đã trôi qua, những câu chuyện đằng sau tấn thảm kịch môi trường có một không hai này đã, đang và sẽ còn ám ảnh nhân loại.

p26-27DLpix(1)

Đêm tang thương

Chuyện xảy ra vào đêm 2/12/1984, nhà máy thuốc trừ sâu UCIL thuộc Công ty Đa quốc gia Mỹ Union Carbide (UCC) đặt tại ngoại ô Bhopal (Ấn Độ) gặp sự cố gây rò rỉ khí chết người Methyl Isocyanate (MIC). Chỉ trong vòng 4 giờ đồng hồ sau sự số, 42 tấn chất độc chứa trong bình khí nén để tại hầm ngầm đã chảy ra hết. Những đám khói nồng nặc thoát ra quanh vùng làm cho 200.000 người bị ngộ độc, hơn 1.500 người và 2.000 con trâu, dê và các loại động vật khác chết ngay tại chỗ vào thời điểm đó, 36 khu vực được nhà chức trách đánh dấu là “chịu ảnh hưởng khí ga” với số dân 520.000 người, khoảng 100.000 đến 200.000 người khác đã chịu những tổn thương vĩnh viễn ở các mức độ khác nhau. Chỉ trong vài ngày, lá cây tại khu vực nhà máy úa vàng và rụng.

Nhưng điều chua xót là mọi bi kịch không dừng lại ở đó. Hơn 30 năm sau thảm họa, rất nhiều người lao động nghèo và thế hệ con cháu của họ vẫn bị thảm họa Bhopal đeo bám, ám ảnh. Các nhà khoa học cũng như các nhà hoạt động xã hội cho biết, hóa chất độc hại vẫn còn tồn tại trong mạch nước ngầm ở Bhopal mà hàng ngàn gia đình dân thường đang sử dụng.

Cơn thịnh nộ của dư luận và những câu hỏi nhức nhối

Sau đêm kinh hoàng 3/12/1984, nhà máy hóa chất Bhopal khóa chặt mọi cửa nẻo. Hàng ngàn tấn thuốc trừ sâu và chất thải vẫn còn nằm yên bên trong nhà máy. Union Carbide không bao giờ quan tâm dọn rửa. Các hóa chất chứa trong các dãy nhà kho để mặc cho gió mưa hoành hành. Nước mưa dẫn chất thải độc hại đi sâu xuống lòng đất, thấm vào mạch nước ngầm và rỉ ra các giếng nước. Nước nhiễm độc đi vào cơ thể người, đốt cháy dạ dày, gặm mòn da, phá hoại nội tạng và lây nhiễm cho bào thai. Nguồn cung cấp nước uống nguy hiểm nhưng Công ty Union Carbide không hề cảnh báo. Các ông chủ của Union Carbide ở Ấn Độ và Mỹ làm ngơ trước cảnh những gia đình ở Bhopal uống nước nhiễm độc và tắm rửa với thứ nước chết người này.

Ở Atal Ayub Nagar, dải đất nằm giữa bức tường nhà máy hoá chất Bhopal và đường xe lửa bị nhiễm độc rất nặng, nhiều đứa bé chào đời với bệnh tật. Tình trạng vẫn không được cải thiện sau khi chính quyền bang Madhya Pradesh sở hữu nhà máy vào năm 1998. Năm sau đó, tổ chức Hòa bình Xanh đến xét nghiệm đất và nước ở khu vực Atal Ayub Nagar và tìm thấy carbon tetrachloride ở mức vượt giới hạn mà Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho phép đến 682 lần!

Tháng 8/2009, một mẫu nước ở khu vực Atal Ayub Nagar được xét nghiệm trong phòng thí nghiệm của tổ chức Hòa bình Xanh ở Anh. Kết quả cho thấy, mức carbon tetrachloride vượt giới hạn của EPA đến 4.880 lần! Còn theo báo cáo mới được công bố của Tổ chức phi chính phủ Bhopal Medical Appeal (BMA) thì mức carbon tetrafluoride, một chất độc hại khác, vượt mức cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến 2.400 lần. Nghiên cứu năm 1999 của Tổ chức Hòa bình Xanh tìm thấy các hóa chất gây ung thư như là chloroform và carbon tetrachloride trong khu vực quanh nhà máy và nước ngầm; và mức thủy ngân trong một số khu vực cao hơn mức an toàn 6 lần.

Mọi người đặt câu hỏi: tại sao thảm họa vẫn cứ tiếp tục? Tại sao nhà máy không được dọn rửa sạch sẽ? Tại sao Union Carbide không đối mặt với công lý? Câu trả lời rất đơn giản: các nạn nhân của Union Carbide đang chết dần chết mòn ở Bhopal vì Ấn Độ đang ngoắc ngoải trước nạn tham nhũng và luật lệ của các lãnh đạo vị kỷ, suy sụp về đạo đức.

Công lý được thực thi quá chậm chạp

Sau thảm họa, tập đoàn UCC đưa ra khoản tiền bảo hiểm là 350 triệu USD trong khi chính phủ Ấn Độ yêu cầu 3,3 tỷ USD. Tuy nhiên, trên thực tế, tiền bồi thường mà Union Carbide chi trả (để kéo dài mạng sống cho nạn nhân) – trung bình là khoảng 500 USD cho mỗi đầu người, nhưng những đứa trẻ chào đời mang bệnh thì không nhận được bất cứ khoản tiền nào. Nhiều năm trôi qua nhưng các nạn nhân nhận được sự chăm sóc y khoa rất ít. Năm 1994, chính quyền Ấn Độ chấm dứt mọi cuộc nghiên cứu về hậu quả khí độc MIC, ngay khi những dịch bệnh ung thư, tiểu đường, bệnh mắt… bắt đầu xuất hiện.

Mọi chuyện chỉ dần dần sáng rõ hơn khi một mẩu quảng cáo của Bhopal Medical Appeal – một tổ chức phi chính phủ ở London (Anh) ủng hộ các nạn nhân của thảm họa Bhopal – xuất hiện trên tờ Guardian của Anh. Và từ đó các nhà hảo tâm bắt đầu giúp đỡ các nạn nhân của thảm họa tiền bạc mua cơ ngơi, thuê đội ngũ y sĩ và bắt đầu chương trình huấn luyện. Năm 1996, Bệnh viện Sambhavna Clinic mở cửa điều trị cho nạn nhân thảm họa. Nạn nhân được điều trị bằng y học hiện đại, y học cổ truyền Ấn Độ, yoga và massage. Mọi chương trình tư vấn, điều trị, liệu pháp, thuốc men đều miễn phí hoàn toàn. Năm 1999, một thỏa thuận đã đạt được, theo đó UCC đồng ý trả 470 triệu USD (gồm tiền bảo hiểm và một khoản hỗ trợ) trong một thỏa thuận cuối cùng và toàn diện về những trách nhiệm hình sự và dân sự của UCC.

Theo phán quyết của tòa án tối cao, UCC phải cung cấp tài chính xây dựng một bệnh viện 500 giường bệnh để cung cấp những chăm sóc y tế cho những người sống sót. Bệnh viện Bhopal Memorial và Trung tâm nghiên cứu (Bhopal Memorial Hospital and Research Centre – BMHRC) được khánh thành năm 1998. Nó có trách nhiệm cung cấp miễn phí chăm sóc y tế cho những người sống sót trong vòng 8 năm.

Điểm sáng nhất là việc tháng 11/1999, Một toà án đã được lập ra ở Manhattan và Bhopal nhằm buộc tội Union Carbide, hiện được sở hữu bởi công ty hoá chất “Dow Chemical Company”, cùng với lệnh bắt giữ Warren Anderson, Cựu Giám đốc điều hành của Union Carbide tại thời điểm xảy ra thảm họa. Có tổng cộng 8 bị cáo đã bị truy tố với các tội danh như vi phạm nhân quyền, vi phạm luật bảo vệ môi trường quốc tế và án hình sự quốc tế vì sự tắc trách dẫn tới hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

Và cuối cùng ngày 7/6/2010 vừa qua, sau hơn 10 năm đấu tranh bền bỉ với hàng loạt cuộc biểu tình do những người tàn tật vẫn còn sống và thân nhân của các nạn nhân bị thiệt mạng tổ chức, cuối cùng, công lý cũng được trả lại cho cả thành phố Bhopal. Tuy nhiên, kết quả của vụ án đã làm bùng phát sự giận dữ và nghi ngờ trong dân chúng khắp Ấn Độ. Người ta cho rằng, công lý được thực thi ở Ấn Độ quá chậm chạp.❏

Nguyễn Hà/congluan.vn