Bắt kịp xu hướng mới để phục hồi

00:00 12/10/2020

Đánh giá về tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm 2020, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, xu hướng giảm tốc của nền kinh tế đã rõ nét hơn do chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Phóng viên: Đánh giá về tình hình kinh tế 4 tháng vừa qua, theo ông đâu là những vấn đề lớn cần lưu ý?

TS. Nguyễn Đức KiênTS. Nguyễn Đức Kiên

TS. Nguyễn Đức Kiên: Trước hết, có thể thấy rằng xu hướng giảm tốc của nền kinh tế đã rõ nét hơn. Nếu như sau 3 tháng chúng ta thấy vẫn còn một vài điểm sáng tích cực nhờ đà của tháng 1, tháng 2, thì tới thời điểm kết thúc tháng 4, hầu hết các lĩnh vực quan trọng đều giảm tốc rất mạnh.

Đơn cử như từ phía cung, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua; từ phía cầu, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,3%, cũng là mức giảm chưa từng có trong nhiều năm. Đăng ký doanh nghiệp trong 4 tháng vừa qua cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, với số doanh nghiệp thành lập mới giảm 13,2%, trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng tới 33,6%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài giảm 15,5%; vốn thực hiện giảm 9,6%…

Vấn đề thứ 2 là khó khăn trên thị trường lao động cũng ngày càng rõ nét hơn. Tính đến giữa tháng 4/2020, có gần 5 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với số lao động nghỉ việc có hỗ trợ, nghỉ việc không lương, đặc biệt là các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch, vận tải… tăng nhanh. Đồng thời, tốc độ tăng thu nhập của người lao động cũng giảm, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Vấn đề thứ 3, đà suy giảm xuất khẩu đã thể hiện rõ nét hơn, khi sang tháng 4 kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh 18,4% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt là đối với doanh nghiệp FDI định hướng xuất khẩu thì khả năng gìn giữ thị trường của họ bị tác động lớn hơn so với các doanh nghiệp lựa chọn thị trường nội địa.

Với những diễn biến trên, ông dự báo thế nào về tình hình tăng trưởng trong các tháng còn lại của năm 2020?

Có thể thấy rằng tình hình kinh tế trong nước giai đoạn tới đây vẫn sẽ tiếp tục xu hướng giảm cả về cung và cầu. Về phía cung, mặc dù lao động đã có thể đi làm trở lại sau thời gian cách ly xã hội, song hoạt động sản xuất chưa thể khôi phục hoàn toàn do chuỗi cung ứng vẫn gián đoạn, năng suất lao động vẫn hạn chế. Về phía cầu, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tiếp tục đình trệ do đi lại và giao thương quốc tế bị hạn chế, các đối tác thương mại lớn đi vào suy thoái; tiêu dùng trong nước tiếp tục giảm do lao động mất việc hoặc mới đi làm trở lại, chưa có thu nhập, người dân vẫn hạn chế tiêu dùng; đầu tư tư nhân và nước ngoài cũng cầm chừng do nhà đầu tư còn lo ngại về tình hình dịch bệnh.

Kết quả tăng trưởng GDP cả năm 2020 sẽ phụ thuộc vào việc giai đoạn này kéo dài trong bao lâu. Nếu giai đoạn này kết thúc trong quý II thì tăng trưởng năm 2020 có thể sẽ đạt 5% như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; nhưng nếu kéo dài hơn thì tăng trưởng sẽ thấp hơn nhiều như dự báo của IMF.

Vậy theo ông, đâu sẽ là động lực lớn nhất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong các tháng còn lại của năm?

Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta vẫn dựa rất nhiều vào xuất khẩu, với 70% kim ngạch thuộc về khối FDI, và đây cũng là những động cơ lớn nhất của cả nền sản xuất. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp chúng ta thực thi các FTA đã có hay FTA sắp có hiệu lực, thì việc tìm kiếm và mở rộng thị trường cũng không hề đơn giản. Vì ở đây là sự đứt gãy chuỗi sản xuất, đứt cả cung và cầu. Bên cạnh đó, phải nhìn nhận rất thẳng thắn rằng thị trường nội địa rất khó đủ sức để đỡ cho cả nền sản xuất trong nước. Đừng kỳ vọng quá nhiều vào việc quay trở về thị trường nội địa. Tôi chỉ lấy ví dụ với dệt may, trong nước chỉ sử dụng hết khoảng 1/10 sản lượng của ngành này.

Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội để phát triển bền vững, đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn thông qua thúc đẩy đầu tư công. Trong bối cảnh này, đây là thành phần hiệu quả nhất có thể hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng.

Trong các chỉ thị gần đây về hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19, Chính phủ cũng đã nhiều lần đề cập tới giải pháp này. Tuy nhiên việc thúc đẩy đầu tư công dường như vẫn chưa đạt yêu cầu. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

Đúng là như vậy! Nếu 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công mà giải ngân được, thì sẽ tạo sức bật ít nhất 1,5-2 điểm % cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, đây là lĩnh vực duy nhất mà trong thời điểm hiện tại, nguồn tiền đã được chuẩn bị sẵn, nguồn nguyên liệu trong nước đã tự sản xuất được, nguồn lực con người cũng dồi dào, luôn sẵn sàng để có thể thực hiện ngay. Nhưng với cách làm việc như bây giờ thì chúng ta đang dần đánh mất cơ hội. Mặc dù nền kinh tế đã đi qua 1/3 chặng đường của năm 2020, song giải ngân vốn đầu tư công đạt chưa tới 1/5 kế hoạch năm. Vì thế giải ngân đầu tư công cũng cần phải có các biện pháp mạnh. Giải ngân đầu tư công cũng cần một ban chỉ đạo như chống dịch Covid-19, với các thẩm quyền vượt cả quy định trong luật, chấp nhận sai sót ở mức độ nhất định để hướng tới mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế qua giai đoạn khó khăn này.

Với những chia sẻ của ông, thì phải chăng nền kinh tế có quá ít cơ hội để bật lên sau đại dịch Covid-19?

Đúng là cơ hội trước mắt để bật lên ngay trong năm nay thì không có nhiều, song tôi cho rằng trong nguy có cơ. Thế giới hậu Covid-19 sẽ rất khác so với thế giới chúng ta đã từng biết trước đây chỉ vài tháng, nhiều xu thế trước đây mới manh nha thì sau đại dịch sẽ trở thành chủ đạo, và chúng ta cần nhận diện để bắt kịp vào.

Thứ nhất là không đặt hết trứng vào một giỏ. Trước đây các nền kinh tế lớn đều quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Vì vậy, giai đoạn hậu dịch, các quốc gia sẽ có sự sắp xếp lại chuỗi sản xuất cũ để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Đây chính là thời điểm chúng ta thể hiện bản lĩnh Việt Nam để nhận diện và tham gia một chuỗi mới, bây giờ mới bắt đầu hình thành dựa trên cái nền đã bị phá vỡ của chuỗi cũ.

Thứ hai, toàn cầu hóa giữa các quốc gia sẽ thay đổi, không còn khái niệm toàn cầu hóa phân chia như giai đoạn cuối thập niên 90 thế kỷ trước là mở bung ra, mà là mở có giới hạn. Như nền kinh tế Mỹ chẳng hạn, phải xác định 70% là thị trường trong nước, 30% là xuất khẩu. Xu thế này gây áp lực cho các doanh nghiệp với công nghệ nguồn phải quay về chính quốc, như ở Mỹ, Đức, Nhật Bản… đang là trào lưu rất rõ. Vậy thì cần đặt vấn đề Việt Nam phải tận dụng thời cơ như thế nào trong 8 tháng còn lại để thay đổi mạnh mẽ trong các năm tới.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Khanh