Báo động tình trạng lao động trẻ em

00:00 12/10/2020

(DNHN). Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là mối quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, gia đình nhà trường và xã hội. Sự quan tâm này đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, hệ thống giáo dục quốc gia và các chương trình về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng trẻ em phải tham gia lao động ở nước ta đang chiếm tỷ lệ cao. Đáng chú ý là trong số đó có nhiều em phải làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm đến tính mạng bản thân.

nan-giai-lao-dong-tre-em  

Tỷ lệ lao động trẻ em ở nước ta vẫn đang ở mức báo động

 Theo kết quả điều tra của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) cho thấy, cả nước hiện có trên 2,8 triệu trẻ em tham gia hoạt động kinh tế, chiếm 15,5% dân số trẻ em, trong đó có 42,6% là trẻ em gái và 57,4% là trẻ em trai. Theo bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục  Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em thì trẻ em nông thôn tham gia hoạt động kinh tế không những chiếm tỷ lệ cao trong tổng số trẻ em nông thôn, mà còn chiểm tỷ lệ lớn ở tổng số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế của cả nước. lao-dong-tre-em Trong tổng số 2,83 triệu trẻ em hoạt động kinh tế thì có tới hơn 2,43 triệu trẻ em từ khu vực nông thôn, chiếm 85% tổng số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế của cả nước. Các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực xã hội cho rằng, tình trạng này có thể là do thu nhập hộ gia đình ở khu vực nông thôn thấp hơn khu vực thành thị, trẻ em phải tham gia các hoạt động kinh tế để phụ giúp nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình; hơn nữa kinh tế nông thôn chủ yếu là các hình thức kinh tế hộ gia đình, khu vực kinh tế nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp là hình thức và khu vực mà trẻ em dễ dàng tham gia. Đáng lo ngại nhất là trong số hơn 2,83 triệu em phải tham gia hoạt động kinh tế, có khoảng 1,18 triệu em đã nghỉ học, chiếm 41,6% và có khoảng 567 ngàn em, chiếm 2% chưa từng đi học. Tỷ lệ này cao hơn so với mức 1,35% dân số trẻ em chưa từng đi học bình quân của cả nước. Đặc biệt, có khoảng 933 ngàn trẻ em làm việc ở những nơi có nguy cơ bị bóc lột và bị xâm hại, trong đó có 11,6% lao động phải dịch chuyển nơi làm liên tục; gần 3,9% trẻ em làm việc tại các nhà máy, xưởng sản xuất; trên 2,3% làm việc tại nhà khách hàng, 1,47% làm việc tại các nhà hàng, quán, bar, khách sạn; khoảng 2,45% trẻ em phải làm việc tại các phố- chợ. Các địa điểm làm việc khó khăn như mỏ đá, công trường xây dựng, xưởng sản xuất, hoặc môi trường nhạy cảm như cửa hàng, quán, bar, nhà hàng, khách sạn chủ yếu là trẻ em nhóm 15-17 tuổi. Bà Hoa cho rằng: “Trẻ em tham gia lao động có thể bị ảnh hưởng tiêu cực tới thể chất và tinh thần, bao gồm những rủi ro khi tiếp xúc với chất độc hại như hóa chất; thời gian làm việc kéo dài; nguy cơ chết đuối dẫn tới các bệnh về hô hấp; nguy cơ ảnh hưởng đến tư thế và thị lực do những điều kiện làm việc thiếu thốn ngoài ra, các em còn có thể bị đối xử tồi tệ, bị lạm dụng. Mặt khác, các em dễ bỏ học hoặc không đi học, nhất là ở cấp trung học cơ sở, vì hầu hết trẻ em lao động đều trong độ tuổi 12 -17”. Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, “Một số bộ phận trẻ em đã và đang tham gia vào những công việc có thời gian kéo dài, các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển và cơ hội học tập của trẻ,  nên đòi hỏi phải có những giải pháp phòng ngừa, can thiệp để bảo vệ các em, tạo môi trường lành mạnh cho mọi trẻ em phát triển toàn diện”. Trước thực trạng đó, đại diện Cục  Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em đề nghị, rất cần thiết xem xét tình trạng trẻ em đang đi học đang tham gia vào các hoạt động kinh tế vì điều này có ảnh hưởng lớn đến việc học tập của các em. Nếu trẻ em kết hợp giữa học và làm trong thời gian phù hợp thì có thể xem là tự nguyện, nhưng nếu các em bắt buộc phải bỏ học để làm việc, có nghĩa là vi phạm quyền của các em, cần phải có biện pháp ngăn chặn phù hợp”. Cần chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em cập nhật với điều kiện thực tế của quốc gia và hội nhập pháp luật quốc tế trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và vấn đề lao động trẻ em nói riêng. Nhất là tăng cường chế tài xử lý các trường hợp vi phạm sử dụng lao động trẻ em trái với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần quan tâm nâng cao ý thức của hộ gia đình về huy động trẻ em trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, Nhà nước xây dựng các gói hỗ trợ về giáo dục có điều kiện để hộ gia đình cho con em đến trường mà vẫn có nguồn thu nhập thay thế lao động trẻ em. Bài và ảnh: Bình An