Bạc Liêu thiếu nước ngọt, thiếu cả nước mặn!

00:00 12/10/2020

Bạc Liêu có 2 vùng sản xuất chính: vùng phía Bắc quốc lộ IA gồm 2 tiểu vùng là tiểu vùng ngọt ổn định (trồng lúa và hoa màu, không cho nước mặn xâm nhập) và tiểu vùng chuyển đổi sản xuất (sản xuất lúa - nuôi tôm); vùng phía Nam Quốc lộ IA chủ yếu là nuôi tôm. Hằng năm, Bạc Liêu đều phải chủ động xây dựng phương án điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (nước ngọt) và nuôi trồng thủy sản (nước mặn). Từ đầu năm 2016, đặc biệt là tập trung từ đầu tháng 2/2016 đến nay, tỉnh Bạc Liêu vừa phải đối phó với tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất lúa vừa thiếu nước mặn cho nuôi tôm.
Cống Đá (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) được mở để đưa nước ngọt trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp vào hệ thống kênh tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Phước Long và Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Cống Đá (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) được mở để đưa nước ngọt trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp vào hệ thống kênh tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở huyện Phước Long và Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
Vào mùa khô, nguồn nước ngọt cung cấp cho Bạc Liêu là từ sông Hậu. Nhưng do tỉnh cách xa sông Hậu nên nguồn nước ngọt từ sông Hậu được lấy gián tiếp thông qua một kênh trục chính quan trọng ở bán đảo Cà Mau là kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Kênh này chảy theo hướng Bắc - Nam (phía Bắc Quốc lộ IA) thông với sông Hậu  bằng sông Cái Côn thuộc tỉnh Hậu Giang rồi xuống hạ lưu qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng rồi đến Bạc Liêu, Cà Mau. Nhiều kênh ngang và sông chảy theo hướng Đông Tây nhận nước ngọt từ kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp cung cấp cho các vùng sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Nước mặn xâm nhập vào nội địa tỉnh Bạc Liêu chủ yếu từ biển ở phía Đông cũng vào theo hệ thống kênh và sông theo hướng Đông - Tây nêu trên. Các kênh, sông này đều có hệ thống cống lớn nhỏ điều tiết nước mặn từ phía biển vào. Bên cạnh đó, khi triều cường, còn có 2 nguồn nước mặn khác xâm nhập vào địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Một là từ cực Nam qua các cống của tỉnh Cà Mau, nước mặn tràn về kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Hai là từ phía Tây, nước mặn từ vịnh Thái Lan vào sông Cái Lớn và các kênh ở huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) qua địa bàn huyện Hồng Dân và Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) rồi cũng ra kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Cống Vĩnh Biên cách cống Đá khoảng 4 km về phía hạ lưu lại đóng cống ngăn nước mặn từ kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Nơi giáp nước mặn và ngọt ở khoảng giữa cống Vĩnh Biên và cống Đá trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Cống Vĩnh Biên cách cống Đá khoảng 4 km về phía hạ lưu lại đóng cống ngăn nước mặn từ kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp. Nơi giáp nước mặn và ngọt ở khoảng giữa cống Vĩnh Biên và cống Đá trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp.
Hiện nay, các kênh, sông trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nhận nước ngọt từ kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp về đều có mực nước thấp hoặc rất thấp, thậm chí một số kênh nhánh đã cạn nước. Khả năng thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất lúa ở vùng Bắc Quốc lộ IA là rất cao trước khi mùa mưa đến (cuối tháng 4, đầu tháng 5) có nước trời thay cho nước sông Hậu. Chịu ảnh hưởng nặng nhất là các trà lúa đông xuân ở huyện Phước Long, Giá Rai. Riêng trà lúa ở xã Phong Tân (huyện Giá Rai) 40-45 ngày tuổi có đến 2.500 ha; có trà lúa chỉ mới gần một tháng tuổi do gieo sạ muộn. Vụ đông xuân này, tỉnh Bạc Liêu có hơn 46.000 ha sản xuất lúa, trong đó, hơn 8.400 ha lúa dưới 25 ngày tuổi, chủ yếu ở thị xã Giá Rai. Trước nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất, diện tích này có khả năng bị giảm do lúa chết vì thiếu nước đồng thời diện tích còn lại cũng có khả năng giảm năng suất.
Trà lúa đông xuân của thị xã Ngã Năm gần cống Vĩnh Biên được bảo vệ, tránh nước mặn từ kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp xâm nhập, đồng thời tiếp nhận nguồn nước ngọt từ hệ thống kênh dẫn thông với cống Đá.
Trà lúa đông xuân của thị xã Ngã Năm gần cống Vĩnh Biên được bảo vệ, tránh nước mặn từ kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp xâm nhập, đồng thời tiếp nhận nguồn nước ngọt từ hệ thống kênh dẫn thông với cống Đá.
Trước Tết nguyên đán Bính Thân và ngay ngày mùng 4 Tết (11/2/2016), ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã 2 lần đi khảo sát những nơi trọng điểm, trực tiếp chỉ đạo Sở NN-PTNT, các địa phương phải theo dõi và thực hiện chặt chẽ việc điều tiết nước phục vụ cho sản xuất lúa và nuôi tôm. Sau khi kiểm tra thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo Sở NN&PTNT làm việc với lãnh đạo thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) mở cống Đá (trên tuyến kênh Quản Lộ - Phung Hiệp thuộc địa phận thị xã Ngã Năm) để đưa nước ngọt vào địa bàn huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, vận động nông dân tích cực bơm trữ nước; nơi nào chưa đáp ứng đủ nước ngọt phải tạm thời ngưng ngay việc sạ lúa (nhất là ở xã Phong Tân nêu trên), chỉ khi có đủ nước ngọt mới được xuống giống. Một số nông dân ở vùng sâu có điều kiện sử dụng nước ngầm phục vụ cho việc trồng và hoa màu và sinh hoạt đã dùng nước này cung cấp cho các trà lúa trỗ đòng nhưng thiếu nước ngọt. Nhưng việc này chưa được các cơ quan chức năng khuyến cáo là có được sử dụng đại trà hay không. Tuy nhiên số nông dân trồng lúa có khả năng sử dụng nước ngầm còn ít và chỉ cung cấp nước cục bộ, không bơm tràn lan ra đồng ruộng.
Về phía hạ lưu kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, cách cống Vĩnh Biên vài km thuộc địa phận xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, lục bình không sống được trên mặt nước do nguồn nước đã mặn.
Về phía hạ lưu kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp, cách cống Vĩnh Biên vài km thuộc địa phận xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, lục bình không sống được trên mặt nước do nguồn nước đã mặn.
Về nguồn nước mặn, đối với vùng Bắc Quốc lộ 1A, riêng khu vực huyện Giá Rai, Phước Long với diện tích khoảng 32.000 ha đất chuyên nuôi trồng thuỷ sản là nơi luôn có yêu cầu cung cấp nước mặn sớm và gặp khó khăn hơn các huyện khác, trước Tết, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban điều tiết nước tỉnh thực hiện mở cống Giá Rai (một trong những cống chính ngăn mặn của tỉnh) để đưa nước mặn vào phục vụ nuôi tôm. Hiện nay, nguồn nước mặn đã tạm đủ từ nay cho đến rằm tháng giêng (21/2/2016). Nước mặn hiện đã tràn qua kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp để phục vụ cho vùng chuyển đổi sản xuất ở Bắc Quốc lộ IA, nơi giáp nước là ở khoảng giữa cống Vĩnh Biên và cống Đá (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng). khi điều tiết nước mặn, huyện Giá Rai và huyện Phước Long cần quan tâm kiểm tra độ mặn trong các kênh, sông ở vùng chuyên tôm kịp thời xử lý việc đóng mở các cống, đặc biệt là không để nước mặn trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp vượt qua cống Đá (thị xã Ngã Năm) - nơi chủ yếu chỉ sản xuất lúa, không nuôi tôm.
Một trà lúa đông xuân thuộc xã Ninh Quới A ở ven kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp đang trỗ đòng, không còn nước trong ruộng, đang có nguy cơ thiếu nước ngọt nếu không được bơm tưới nước ngọt kịp thời.
Một trà lúa đông xuân thuộc xã Ninh Quới A ở ven kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp đang trỗ đòng, không còn nước trong ruộng, đang có nguy cơ thiếu nước ngọt nếu không được bơm tưới nước ngọt kịp thời.
Các cơ quan chuyên môn về đo đạc, quan trắc Bạc Liêu cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau để nắm bắt thông tin kịp thời, thống nhất trong việc điều tiết nước, vận hành cống. Đặc biệt trên tuyến kênh chính Quản Lộ - Phụng Hiệp, khi cần nước ngọt thì mở cống lấy nước, kịp thời đóng cống không cho mặn xâm nhập vào vùng ngọt ổn định của 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng; các cống ngăn mặn ở tỉnh Cà Mau cùng với cống Giá Rai, Hộ Phòng ở tỉnh Bạc Liêu phải đồng bộ khi thực hiện đóng, mở cống, tránh tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", nơi này đóng, nơi khác lại mở... Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở NN&PTNN sớm điều chỉnh, bổ sung, công bố phương án điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản năm 2016 trên địa bàn tỉnh, trước mắt là cung cấp lịch thời vụ giúp nông dân có điều kiện chăm sóc lúa đông xuân, đồng thời giải quyết bài toán nước mặn cho vùng nuôi tôm đang chuẩn bị vào vụ chính...