Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Yên Lạc nhiệm kỳ 2020-2025 xác định, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cần được ưu tiên hàng đầu, đây là hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Những năm qua, huyện Yên Lạc đã quan tâm, dành nhiều nguồn lực cho phát triển CCN. Lãnh đạo địa phương đã vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút các dự án đầu tư vào CCN, tạo môi trường đầu tư thuận lợi và phối hợp với các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Đồng thời, triển khai các chính sách ưu đãi tạo sức hấp dẫn để huy động nguồn lực đầu tư phát triển CCN, trong đó, chú trọng phát triển các ngành nghề truyền thống là thế mạnh của địa phương như chế biến gỗ, tơ nhựa, bông vải sợi; tái chế sắt, buôn bán máy móc, thiết bị, cơ khí…
Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, đến nay, Yên Lạc đã thành lập được 6 CCN với diện tích gần 110 ha, trong đó, 3 CCN đã đi vào hoạt động là: CCN làng nghề Tề Lỗ, CCN làng nghề Yên Đồng, CCN thị trấn Yên Lạc thu hút hơn 530 hộ vào SXKD, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 lao động địa phương, với thu nhập ổn định.
Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các doanh nghiệp trong CCN vẫn nỗ lực duy trì, ổn định sản xuất. Giá trị công nghiệp – XDCB đạt hơn 6.738 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm 2009, CCN làng nghề Yên Đồng được thành lập, đáp ứng nhu cầu thuê mặt bằng, mở rộng quy mô sản xuất của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Hiện nay, CCN làng nghề Yên Đồng đã thu hút hơn 100 hộ vào SXKD ngành nghề tái chế nhựa và các dịch vụ phục vụ ngành tái chế; góp phần giải quyết việc làm cho hơn 200 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân hơn 5 triệu đồng/người/tháng, tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.
Hải Kim