TS. Trần Thị Hồng Minh: Phải tháo gỡ các rào cản, quy định để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp

15:01 27/10/2023

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), phải có chính sách vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tạo thêm nguồn vốn trung, dài hạn.

Ảnh minh họa
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Cải thiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp

TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện CIEM cho biết, hiện có khoảng 97-98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Chính vì vậy, tiếp cận vốn chính thức là khó khăn thường trực của doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, suy giảm nhu cầu ở cả thị trường trong và ngoài nước cũng khiến các định chế tài chính phải cân nhắc nhiều hơn khi cấp vốn cho doanh nghiệp.

Theo Viện trưởng Trần Thị Hồng Minh, vừa qua Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, hạ mặt bằng lãi suất, giãn hoãn, miễn giảm các loại thuế phí. Chúng tôi cho rằng, những chính sách này đã có tác động tích cực nhất định đối với sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh việc cải thiện tiếp cận vốn, chúng ta phải tháo gỡ thêm những rào cản, quy định để cải thiện khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

“Trong lĩnh vực bất động sản, nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn trong huy động vốn, khi mà hầu hết tài sản đều đã thế chấp, hoặc tài sản đang gặp vấn đề về pháp lý; giá trị tài sản suy giảm trong bối cảnh thị trường trầm lắng. Việc huy động vốn thông qua thị trường trái phiếu cũng trầm lắng hơn rất nhiều”, bà Minh chia sẻ.

Cũng theo bà Minh, hiện cộng đồng doanh nghiệp đang thực sự gặp khó khăn, nhất là trong hai năm 2022 - 2023, khi mà cơ sở pháp lý liên quan đến Luật Đất đai vẫn còn những quy định chưa tạo thuận lợi, thậm chí còn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Nhất là liên quan đến việc triển khai xây dựng các dự án, vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, hay vấn đề sở hữu...

Nên có giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn

TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, nên có giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, như có chính sách hạ lãi suất hơn nữa, đồng thời, xem xét các điều kiện vay vốn phù hợp với bối cảnh hiện tại. Trong đó, phải có chính sách vận hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, tạo thêm nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ hoạt động xây dựng, sản xuất, kinh doanh.

Theo bà Minh, phải có những chính sách tạo ra sự cộng hưởng, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, để chúng ta tận dụng tối đa những lợi thế do FDI mang lại, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển.

TS. Trần Thị Hồng Minh nhìn nhận, khi doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do dịch bệnh, với những khó khăn trong và ngoài nước thì Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản hướng dẫn hỗ trợ của Chính phủ đều rất kịp thời, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp. Nghị quyết số 41-NQ/TW lại càng củng cố thêm thông điệp Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ sẽ luôn sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp. 

Cũng theo bà Minh, hiệu quả thực hiện còn phụ thuộc vào nhận thức thông suốt và khơi thông trách nhiệm của các công chức, viên chức. Nếu những thủ tục hành chính còn chậm trễ thì các chính sách được thiết kế tốt cũng trở nên kém hiệu quả. Chính ở đây, chúng tôi nhấn mạnh là phải có thể chế tốt. Thể chế nào chưa tốt thì chỉnh sửa, thể chế tốt mà chưa có thì đưa ra, thể chế nào tốt nhưng chưa được triển khai hiệu quả sẽ phải điều chỉnh vấn đề thực thi. 

Thứ nhất, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ cải thiện khi Chính phủ có quy định mới, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết trái phiếu trên sàn giao dịch và có những giao dịch minh bạch thông qua hệ thống giao dịch điện tử. Từ việc tạo ra thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, doanh nghiệp bất động sản sẽ hy vọng có thêm nguồn vốn từ phát hành trái phiếu, cũng như tạo ra cú hích cho doanh nghiệp bất động sản để họ dễ dàng hơn trong tiếp cận nguồn vốn.

Thứ hai, Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã khai mạc và khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ có những thay đổi về mặt pháp lý, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản tiếp cận nguồn lực đất đai dễ dàng hơn.

Thứ ba, một loạt chính sách của Nhà nước liên quan đến việc hỗ trợ xây dựng các dự án nhà ở xã hội (đã có quy hoạch ở phần lớn các địa phương), cũng sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất phát triển các dự án lớn, mang tính đòn bẩy và lan tỏa.

“Xử lý các khó khăn về tiếp cận vốn và tiếp cận đất đai phải song hành với nhau. Còn nếu tắc ngay khâu tiếp cận quỹ đất thì tiếp cận vốn cũng chịu ảnh hưởng. Không bảo đảm tiếp cận vốn đầy đủ thì quỹ đất, dù tiếp cận được, cũng chậm chuyển hóa thành các cơ hội kinh tế”, TS. Trần Thị Hồng Minh nói.

Nhân Hà