Trái phiếu doanh nghiệp phát hành từ ngân hàng: Có đặc thù riêng nên ít rủi ro

10:56 17/03/2023

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành bởi các ngân hàng thương mại hầu như rất ít rủi ro, do đặc thù riêng.

Theo TS Cấn Văn Lực, rủi ro lớn nhất với thị trường TPDN hiện nay là sẽ có một khối lượng lớn TPDN sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2023-2024 do sự phát triển bùng nổ của thị trường trong giai đoạn 2019-2021.

Theo số liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2023 sẽ có khoảng 271.000 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó số lượng của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) là khoảng 119.000 tỉ đồng. Năm 2024, giá trị trái phiếu đáo hạn khoảng 330.000 tỷ đồng (trong đó, của doanh nghiệp BĐS là 110.000 tỷ đồng), tất cả đều chưa tính tiền lãi.

Ảnh minh họa
Toạ đàm “Giải pháp khơi thông thị trường vốn”.

Hai nhóm ngành phát hành TPDN nhiều nhất là ngân hàng thương mại (NHTM) và BĐS, do đó đây cũng là 2 nhóm ngành có lượng TPDN đáo hạn cao nhất.

Trong đó, TPDN được phát hành bởi các NHTM hầu như rất ít rủi ro, do đặc thù riêng. Đó là trái phiếu chủ yếu được phát hành bởi các ngân hàng có quy mô lớn, kết quả kinh doanh khá tốt và ổn định.

Tính công khai, minh bạch của trái phiếu được đảm bảo do các đa số NHTM đã được kiểm toán độc lập, kiểm toán quốc tế và niêm yết trên sàn chứng khoán.

Việc phát hành trái phiếu của NHTM phải tuân thủ các quy định chặt chẽ của NHNN về các tỷ lệ đảm bảo an toàn, với mục đích phát hành rõ ràng (chủ yếu là để tăng vốn cấp 2, đảm bảo đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo các chuẩn mực quốc tế như Basel II.

Cùng với đó, NHTM có quỹ dự phòng rủi ro cho hoạt động tín dụng và đầu tư. Bởi vậy, các NHTM phát hành trái phiếu thường không có tài sản đảm bảo (chủ yếu đảm bảo bởi các đặc thù trên) và quy trình, thủ tục cũng có những khác biệt so với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thông thường.

Cũng theo chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, đối với nhóm BĐS, các doanh nghiệp BĐS đã phát hành gần 215 nghìn tỷ đồng năm 2021 và 52 nghìn tỷ đồng TPDN trong năm 2022 (xếp thứ 2 về khối lượng, sau các tổ chức tín dụng), với lãi suất trung bình là 10,35%/năm (theo VBMA).

Theo đó, lượng trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp BĐS cũng rất lớn, nhất là 2 năm tới (khoảng 115 nghìn tỷ đồng/năm), chưa tính tiền lãi. Trong khi đó, khả năng gọi vốn của các doanh nghiệp để đảo nợ trong thời gian tới sẽ còn khó khăn do những vi phạm liên tiếp đã làm niềm tin của các nhà đầu tư suy giảm đáng kể, nhà đầu tư cá nhân cũng đã trở nên e ngại hơn sau các vụ việc vừa qua.

Ảnh minh họa
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia.

Khó khăn tiếp theo là Nghị định 65/2022 đã đưa ra những quy định chặt chẽ hơn đối với phát hành TPDN riêng lẻ, trong khi Nghị định 08/2023 mới được ban hành và còn cần thêm thời gian để kiểm chứng về hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn đối với phát hành TPDN.

Nguồn vốn tín dụng dành cho đối tượng này là không nhiều do chính sách của ngân hàng Nhà nước, hạn chế dòng vốn vào lĩnh vực được coi là rủi ro; thị trường chứng khoán không còn sôi động như giai đoạn trước; việc bán hàng, phát mại tài sản để trả nợ cũng không dễ dàng (do thị trường BĐS đang trầm lắng, phục hồi chậm).

Vì thế, một bộ phận doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực BĐS có tiềm ẩn nguy cơ nợ trái phiếu quá hạn, nếu trái chủ không thiện chí chấp nhận gia hạn hay đổi lấy tài sản khác.

Bàn về giải pháp phát triển, lành mạnh hóa thị trường TPDN Việt Nam, theo ông Lực, Nghị định 08 về trái phiếu doanh nghiệp mới được ban hành được xem là giải pháp tạm thời, giúp tháo gỡ các khó khăn trước mặt cho thị trường. Tuy nhiên, để thị trường có thể phát triển lành mạnh thị trường cũng như hạn chế rủi ro, cần có các biện pháp dài hạn, vĩ mô để khắc phục các điểm yếu lớn như hành lang pháp lý và quy chế quản lý thị trường, hạ tầng thị trường (hệ thống giao dịch, công ty định hạng tín nhiệm...v.v.) cũng như nền tảng nhà đầu tư.

Cụ thể, cần quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành TPDN vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp thị trường TPDN phục hồi nhanh chóng, tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn để đầu tư, sản xuất và cả đảo nợ, đảm bảo quá trình phục hồi của nền kinh tế không bị gián đoạn. Cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng.

“Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt là cho những doanh nghiệp BĐS cần vốn để đảo nợ khi phát hành TPDN riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ và dòng vốn tín dụng không dồi dào. Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng thị trường như thiết lập thị trường thứ cấp tập trung đối với TPDN vừa tăng tính thanh khoản, vừa tăng khả năng kiểm soát; chuẩn hóa quy định về hồ sơ phát hành, báo cáo tài chính, bản cáo bạch”, ông Lực nói.

Cùng với đó, theo ông Lực, cần có chính sách khuyến khích định hạng tín nhiệm, công bố thông tin định hạng tín nhiệm cho doanh nghiệp nói chung (không chỉ cho phát hành TPDN). Đồng thời, cần sớm xem xét cấp phép thêm 2-3 công ty định hạng tín nhiệm có đủ năng lực, khuyến khích cả xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Hoàn thiện hạ tầng của thị trường TPDN như thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở dữ liệu về trái phiếu, về tài sản đảm bảo; hoàn thiện cơ chế quản lý và giám sát thị trường, như cơ chế quản lý đối với trái phiếu sau phát hành như quản lý tài sản đảm bảo, giám sát dòng tiền, quản lý mục đích sử dụng vốn và tăng mức chế tài đối với các hành vi vi phạm. Cần cải thiện chất lượng nhà đầu tư cá nhân trên thị trường thông qua tăng cường giáo dục tài chính cho nhà đầu tư cá nhân, đồng thời đưa ra các chính sách khuyến khích phát triển nhà đầu tư tổ chức.

“Thị trường TPDN Việt Nam là một cấu phần không thể tách rời của thị trường tài chính và BĐS. Việc quản lý, định hướng phát triển cần được gắn chặt với hệ thống tài chính, việc áp dụng các quy chuẩn công bố thông tin, an toàn hệ thống cần được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan quản lý một cách phù hợp, với tư cách độc lập nhiều hơn. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa đến rủi ro hệ thống, lan truyền giữa ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm – BĐS”, ông Lực khuyến nghị.

Hoài Anh