Tổng thống Donald Trump có thể áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc từ 1/2. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết tại một sự kiện ở Nhà Trắng: “Chúng tôi đang xem xét mức thuế 10% đối với Trung Quốc, dựa trên thực tế rằng họ đang gửi fentanyl đến Mexico và Canada. Có lẽ ngày 1/2 là thời điểm chúng tôi hướng tới”.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã cam kết áp thuế mạnh đối với nhiều quốc gia, trong đó có mức thuế lên tới 60% đối với hàng hóa Trung Quốc. Sau khi đắc cử, ông Donald Trump cũng từng đe dọa áp thêm 10% thuế đối với Trung Quốc, viện dẫn vấn đề buôn bán fentanyl và các hóa chất dùng để sản xuất loại ma túy chết người này. Ngoài ra, ông cũng cảnh báo sẽ áp thuế 25% đối với Mexico và Canada nếu hai nước này không hỗ trợ Mỹ kiểm soát biên giới.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phản ứng tiêu cực, với chỉ số CSI 300 trên sàn nội địa giảm điểm sau năm phiên tăng liên tiếp, trong khi chỉ số Hang Seng China Enterprises trở thành thị trường có hiệu suất kém nhất tại châu Á. Dù mức thuế 10% thấp hơn nhiều so với mức 60% mà ông Donald Trump từng đề xuất trong chiến dịch tranh cử, các nhà đầu tư vẫn lo ngại về khả năng biến động lớn hơn trong thời gian tới.
Ông Xin-Yao Ng, Giám đốc đầu tư tại abrdn Plc ở Singapore, nhận định: “Chỉ có thể khó khăn hơn từ đây. Điều này nhắc nhở rằng ông Trump chắc chắn sẽ hành động, vì ngày đầu tiên có thể khiến một số người lầm tưởng rằng ông ấy sẽ không làm gì cả. Các biện pháp áp thuế dần dần cũng có thể làm trì hoãn hoặc giảm bớt tác động kích thích mà thị trường mong đợi”.
Hôm thứ Hai (20/1), ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ mới, ông Donald Trump chưa ra lệnh áp thuế ngay đối với Trung Quốc, dù tuyên bố sẽ đánh thuế 25% đối với Mexico và Canada từ ngày 1/2.
Thay vào đó, ông yêu cầu chính quyền xem xét các biện pháp thương mại bất công trên toàn cầu và điều tra liệu Trung Quốc có tuân thủ thỏa thuận thương mại mà ông đã ký trong nhiệm kỳ đầu tiên hay không. Động thái này đã cho thấy cách tiếp cận có phần thận trọng hơn đối với Bắc Kinh.
Vào hôm thứ Ba (21/1), ông Donald Trump cũng chỉ trích Liên minh châu Âu (EU), cho rằng khối này có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ. Ông phát biểu: “Các nước khác cũng đang lạm dụng chúng ta rất nhiều, không chỉ Trung Quốc. Chúng ta có mức thâm hụt 350 tỷ USD với EU. Họ đối xử với chúng ta rất tệ, vì vậy họ sẽ phải chịu thuế”.
Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng nhắc lại đe dọa áp thuế đối với Canada và Mexico, nhấn mạnh rằng đây không phải là nỗ lực nhằm ép hai nước tái đàm phán hiệp định thương mại tự do ba bên, mà là do họ đã để dòng người nhập cư bất hợp pháp và ma túy tràn qua biên giới Mỹ.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ ông Donald Trump sẽ viện dẫn cơ sở pháp lý nào để thực hiện các biện pháp thuế quan này. Trong sắc lệnh hành pháp ký hôm thứ Hai, ông yêu cầu các quan chức “đánh giá tình trạng nhập cư trái phép và luồng fentanyl” từ Canada, Mexico và Trung Quốc, đồng thời báo cáo trước ngày 1/4. Trước lễ nhậm chức, đã có thông tin rằng ông Trump có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia để hợp thức hóa các biện pháp thuế quan mới, nhưng điều này chưa được công bố.
Hãng luật Baker McKenzie nhận định: “Theo bản ghi nhớ hành pháp, các biện pháp tức thời của chính quyền của ông Donald Trump không dẫn đến việc áp thuế ngay lập tức, nhưng nó thể hiện một kế hoạch rõ ràng và có hệ thống nhằm đặt nền tảng cho các hành động thuế quan trong tương lai”.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã liên tục nhắm vào Trung Quốc về thương mại, gây ra cuộc xung đột làm thay đổi chuỗi cung ứng và nền kinh tế toàn cầu. Hiện tại, chính quyền của ông đã phát đi tín hiệu sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận cứng rắn này.
Trước lễ nhậm chức lần thứ hai, ông Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó hai bên thảo luận về thương mại, fentanyl và ứng dụng TikTok của ByteDance.
Tổng thống Donald Trump cho biết: “Chúng tôi không bàn quá nhiều về thuế quan, nhưng ông ấy biết rõ lập trường của tôi. Hãy nhìn xem, tôi đã áp mức thuế rất cao lên Trung Quốc. Tôi đã thu về hàng trăm tỷ USD. Trước khi tôi làm tổng thống, Trung Quốc chưa từng trả cho Mỹ dù chỉ 10 xu”.
Trước đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường tuyên bố Bắc Kinh sẽ mở rộng nhập khẩu và không theo đuổi chính sách thặng dư thương mại. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới thường niên ở Davos, Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng Đinh Tiết Tường phát biểu: “Chúng tôi muốn nhập khẩu thêm nhiều sản phẩm và dịch vụ chất lượng, cạnh tranh hơn để thúc đẩy thương mại cân bằng”.