Goldman Sachs đạt doanh thu kỷ lục từ giới siêu giàu tại châu Á. |
Doanh thu từ mảng quản lý tài sản tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Goldman Sachs đã đạt mức cao kỷ lục trong năm ngoái, khi các khách hàng siêu giàu tìm đến ngân hàng này để điều hướng thị trường biến động và căng thẳng địa chính trị.
Giới siêu giàu ngày càng ít tự quyết định hơn và có xu hướng đa dạng hóa cũng như toàn cầu hóa tài sản, ông Ronald Lee, đối tác của Goldman và là người đứng đầu mảng quản lý tài sản cá nhân tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết.
Ông Ronald Lee nhận định: “Những biến động trên thị trường Trung Quốc, đà giảm tốc của nền kinh tế nước này và căng thẳng địa chính trị đã khiến khách hàng của chúng tôi suy nghĩ nhiều hơn về cách quản lý tài sản của họ”.
Phản ánh sự thay đổi này, tài sản dài hạn có phí của ngân hàng đã tăng khoảng 80% trong vòng 5 năm qua. Tài sản và doanh thu của khách hàng tại châu Á đều đạt mức kỷ lục trong năm 2024, với tài sản của khách hàng quản lý tài sản tăng 40% trong hai năm qua và doanh thu tăng gấp đôi trong 5 năm qua.
Goldman không tiết lộ tổng tài sản tại châu Á, nhưng theo Asia Private Banker, ngân hàng này đã quản lý khoảng 100 tỷ USD (không bao gồm Trung Quốc) vào năm 2023.
Ngân hàng Goldman Sachs đã mở rộng hoạt động trong khu vực những năm gần đây, ngay cả khi phải đối mặt với những khó khăn tại Trung Quốc. Chính sách siết chặt kiểm soát của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với môi trường kinh doanh và đà giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc đã buộc nhiều ngân hàng Phố Wall phải điều chỉnh kế hoạch mở rộng.
Goldman “chắc chắn sẽ tìm cách tuyển dụng” trong những năm tới, với tốc độ tăng trưởng nhân sự ở mức “cao một chữ số” trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chủ yếu để phục vụ khách hàng Trung Quốc. Kể từ năm 2019, số lượng cố vấn tài sản tại khu vực này đã tăng gần 30%.
Trong báo cáo vào tuần này, Goldman Sachs cho biết doanh thu từ mảng quản lý tài sản và đầu tư của ngân hàng đạt 4,72 tỷ USD trong quý IV/2024, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Phí quản lý trong lĩnh vực này cũng lập kỷ lục, đạt 10,4 tỷ USD trong năm 2024, trong khi tổng tài sản quản lý của khách hàng đạt khoảng 1,6 nghìn tỷ USD.
Ông Ronald Lee, đối tác của Goldman và là người đứng đầu mảng quản lý tài sản cá nhân tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Ảnh: Goldman Sachs Group Inc). |
Goldman Sachs phục vụ giới siêu giàu, với quy mô tài khoản trung bình toàn cầu khoảng 70 triệu USD và mức trung bình tại châu Á cũng tương đương. Trung Quốc (trong đó có Hồng Kông) và dòng tiền Trung Quốc tại các thị trường khác, chiếm từ hai phần ba đến gần ba phần tư hoạt động kinh doanh của Goldman.
“Chúng tôi luôn tập trung rất nhiều vào Trung Quốc”, ông Ronald Lee nhấn mạnh.
Tài sản của các tỷ phú Trung Quốc đang dần phục hồi sau ba năm sụt giảm do khủng hoảng bất động sản. Giới siêu giàu Trung Quốc cũng đang tìm cách đa dạng hóa tài sản và nơi cư trú, với nhiều người đã chuyển sang Singapore trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, kể từ khi biên giới mở cửa trở lại vào năm 2023, Hồng Kông đã thu hút lại một phần dòng tiền khi Singapore tăng cường giám sát dòng vốn nước ngoài sau một vụ bê bối rửa tiền lớn.
Ông Ronald Lee cho biết thêm: “Dòng tiền từ Trung Quốc ra thế giới đang gia tăng. Với quy mô tài sản của nhóm khách hàng này, họ thường có xu hướng toàn cầu hóa”.
Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung leo thang và xung đột tại Ukraine, Israel, địa chính trị đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của giới siêu giàu. Ông Lee cho biết: “Tôi không nhớ có thời điểm nào khác mà địa chính trị lại quan trọng đến vậy trong các cuộc thảo luận với khách hàng”.
Trước đây, khách hàng siêu giàu Trung Quốc thường có xu hướng tập trung vào thị trường nội địa, nhưng giờ đây họ đang tìm cách đa dạng hóa. Đà tăng mạnh của thị trường Mỹ ngày càng củng cố sức hấp dẫn của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tương tự, các tỷ phú Úc trước đây thường tập trung vào thị trường nội địa, nhưng cũng đang có xu hướng mở rộng đầu tư ra nước ngoài.
Goldman cũng nhìn thấy cơ hội trong việc phục vụ các khách hàng Ấn Độ không cư trú (NRI), chủ yếu tại London, Dubai và Singapore, dù chưa có kế hoạch mở văn phòng tại Ấn Độ.
Ông Ronald Lee nhận định: “Ấn Độ hiện ở giai đoạn mà Trung Quốc từng trải qua cách đây 15-20 năm. Chúng tôi thấy nhiều yếu tố tương đồng, với tốc độ tăng trưởng rất nhanh nhưng quy mô vẫn còn khá nhỏ.”