![]() |
Thuế quan đối ứng – Nỗ lực định hình thương mại toàn cầu của Tổng thống Donald Trump. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã giao nhiệm vụ cho nhóm cố vấn kinh tế của mình vào thứ Năm (13/2) để lên kế hoạch áp thuế quan đối ứng với mọi quốc gia đánh thuế nhập khẩu lên hàng hóa Mỹ, làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại toàn cầu với cả đồng minh và đối thủ của Hoa Kỳ.
Ông Donald Trump nói với các phóng viên tại Phòng Bầu Dục: “Về thương mại, tôi đã quyết định vì sự công bằng rằng tôi sẽ áp thuế quan đối ứng, nghĩa là bất kỳ quốc gia nào đánh thuế Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ đánh thuế họ, không hơn, không kém”.
Theo đó, Tổng thống Donald Trump đã ký một bản ghi nhớ yêu cầu nhóm của mình bắt đầu tính toán các mức thuế để phù hợp với những gì các quốc gia khác áp đặt, và đối phó với các rào cản phi thuế quan như quy định an toàn xe cộ loại trừ ô tô Mỹ và thuế giá trị gia tăng làm tăng chi phí.
Chỉ thị hôm thứ Năm chưa áp đặt ngay các mức thuế mới, mà thay vào đó bắt đầu một quá trình có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng để điều tra các mức thuế mà các đối tác thương mại khác áp lên hàng hóa Mỹ, sau đó đưa ra phản ứng phù hợp.
Các mục tiêu cụ thể bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu. Đợt thuế quan mới nhất của vị Tổng thống đảng Cộng hòa này đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn cầu mở rộng và đe dọa đẩy nhanh lạm phát tại Mỹ.
Ông Howard Lutnick, người được Tổng thống Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Thương mại, cho biết chính quyền sẽ giải quyết từng quốc gia bị ảnh hưởng một cách riêng biệt và các nghiên cứu về vấn đề này sẽ hoàn thành trước ngày 1/4.
Đây cũng là hạn chót mà Tổng thống Trump đặt ra trong ngày đầu tiên nhậm chức để ông Lutnick và các cố vấn kinh tế khác báo cáo với ông về kế hoạch giảm thâm hụt thương mại kinh niên mà ông Trump coi là một khoản trợ cấp của Mỹ cho các quốc gia khác. Một quan chức Nhà Trắng cho biết chính quyền sẽ nghiên cứu các quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất và mức thuế cao nhất trước tiên.
Tổng thống Donald Trump cho biết chính sách thuế quan của ông sẽ tương ứng với các mức thuế cao hơn mà các quốc gia khác áp đặt, và sẽ nhằm đối phó với các quy định phiền hà, thuế giá trị gia tăng, trợ cấp chính phủ và chính sách tỷ giá hối đoái có thể tạo ra rào cản đối với dòng chảy sản phẩm của Mỹ ra thị trường nước ngoài.
Ông Trump nói: “Họ thực chất không cho phép chúng ta kinh doanh. Vì vậy, chúng tôi sẽ đặt ra một con số công bằng. Chúng tôi có thể xác định chính xác chi phí của các rào cản thương mại phi tiền tệ này”.
Thông báo này của Tổng thống Donald Trump dường như được thiết kế ít nhất một phần để kích hoạt các cuộc đàm phán với những quốc gia khác. Quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ sẵn lòng giảm thuế quan nếu các quốc gia khác cũng làm tương tự. Các mức thuế mới sẽ tránh cách tiếp cận “một kích cỡ phù hợp cho tất cả” (“one size fits all”) để áp dụng các mức thuế tùy chỉnh hơn, mặc dù không loại trừ một mức thuế toàn cầu đồng nhất.
Bà Tiffany Smith, Phó Chủ tịch phụ trách thương mại toàn cầu tại Hội đồng Thương mại Quốc gia Hoa Kỳ, cho biết: “Đó là một sự nhẹ nhõm khi chính quyền không vội vàng áp đặt thuế quan mới, và chúng tôi hoan nghênh tổng thống áp dụng cách tiếp cận tinh tế hơn, liên ngành hơn. Lý tưởng nhất, quá trình này sẽ dẫn đến việc chúng ta hợp tác với các đối tác thương mại để giảm thuế quan và rào cản thương mại của họ thay vì tăng thuế của chính mình”.
Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng cho biết hôm thứ Hai (10/2) rằng ông cũng đang xem xét các mức thuế riêng đối với ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm. Hôm thứ Năm (13/2), ông nói rằng thuế ô tô sẽ sớm được áp dụng.
Các chuyên gia thương mại cho biết việc xây dựng các mức thuế đối ứng mà ông Donald Trump muốn đặt ra những thách thức lớn cho nhóm của ông, điều này có thể giải thích tại sao các mức thuế mới nhất vẫn chưa được công bố.
Các chuyên gia cho biết Tổng thống Trump có thể sử dụng một số điều luật, bao gồm Điều 122 của Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ năm 1974, chỉ cho phép mức thuế tối đa đồng nhất 15% trong sáu tháng, hoặc Điều 338 của Đạo luật Thuế quan năm 1930, cung cấp thẩm quyền hành động chống lại phân biệt đối xử thương mại bất lợi cho thương mại Mỹ, nhưng chưa bao giờ được sử dụng.
Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng có thể sử dụng Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) tương tự như đã được sử dụng để biện minh cho các mức thuế áp đặt lên Trung Quốc và đang chờ áp dụng với Canada và Mexico. Các quan chức Nhà Trắng cho biết biện pháp này và các biện pháp khác có thể được sử dụng.
Ông Damon Pike, chuyên gia thương mại và đối tác tại chi nhánh Mỹ của công ty kế toán BDO International, cho biết: “Nếu không có IEEPA, sẽ cần một số hành động của cơ quan chức năng trước khi bất kỳ biện pháp thuế quan thương mại nào có thể được áp đặt; nhưng mọi thứ dường như đang được đẩy nhanh tiến độ”. Đồng thời, ông nói thêm rằng thông thường thuế quan sẽ do Quốc hội Mỹ quyết định.