Thanh Hóa: Hơn 14 tỷ đồng thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp

09:24 31/08/2022

Tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 27.000 doanh nghiệp, trong đó hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh sau 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kế hoạch số 140/KH-UBND thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp năm 2022, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện hỗ trợ theo các chính sách của Trung ương và chính sách riêng của tỉnh. Với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chính sách của Trung ương (Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ), tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện hỗ trợ về công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến. 

Hơn 14 tỷ đồng thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19
Hơn 14 tỷ đồng thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19.

Về chính sách hỗ trợ công nghệ, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện hỗ trợ cho ít nhất 14 doanh nghiệp. Đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đăng ký thành lập và đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ, đáp ứng tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Chương II Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Với chính sách này, mỗi doanh nghiệp sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa.

Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hóa, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ trong doanh nghiệp và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 20 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, không quá 50 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ và không quá 100 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa. Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa là cơ quan chủ trì hỗ trợ chính sách này đang xem xét hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp để thực hiện hỗ trợ theo quy định. 

Nghị quyết số 214/2022/NQ-HĐND ngày 13/4/2022 của HĐND tỉnh Thanh Hóa và Quyết định số 3487/QĐ-UBND ngày 7/9/2021 của UBND tỉnh, tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai các chương trình bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp, bồi dưỡng kiến thức về quản trị doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển phát kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, hỗ trợ sử dụng chữ ký số; hỗ trợ kết nối, chia sẻ thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên nền tảng số của các cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh Thanh Hóa; in ấn, cung cấp miễn phí cẩm nang hướng dẫn về trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp, quy trình thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử và một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

PV