Tại Diễn đàn thực phẩm & đồ uống Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCO) tổ chức ngày 25/11, các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo về ảnh hưởng của rác thải nhựa từ bao bì thực phẩm và đồ uống đối với môi trường. Đặc biệt trong bối cảnh dân số Việt Nam sắp đạt đến 100 triệu dân và tầng lớp trung lưu tăng 10%, người thu nhập cao và tiêu dùng tăng sẽ xả rác thải ra môi trường nhiều, do đó cần có biện pháp để xử lý rác thải.
Mới có 7-9% được tái chế
Theo số liệu công bố tại Diễn đàn, mỗi năm trên thế giới sản xuất 8,3 tỷ tấn nhựa, nhưng cũng thải ra môi trường 6,3 tỷ tấn. Tuy nhiên, mới có 7% rác thải nhựa được đưa vào tái chế trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam có đến 2,25 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi năm, trong đó mới thu gom được một nửa. Đáng lưu ý, các rác thải nhựa có giá trị, hầu hết được tái chế và chuyển sang Trung Quốc, còn rác thải nhựa khó tái chế, phân tách và không có giá trị bị thải ra môi trường sống.
Theo xếp hạng lượng rác thải nhựa do Nhật Bản ước tính, Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới với mỗi năm có khoảng 730.000 tấn rác thải nhựa ra biển, trong đó 80% lượng rác thải nhựa có nguồn gốc từ đất liền.
Các chuyên gia đánh giá đây là những con số đáng báo động về tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa và đưa ra dự báo sau năm 2020, dân số Việt Nam sẽ vượt 100 triệu dân, trong đó tầng lớp trung lưu tăng 10%, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng. Do đó, lượng rác thải xả ra môi trường cũng sẽ tăng theo. Dự báo, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị có thể tăng hơn 40% vào năm 2030.
Ts. Phạm Hồng Hải, chuyên gia độc lập của VCCI, chia sẻ nhựa có xung quanh chúng ta và tồn tại như phần tất yếu của cuộc sống. Ở Việt Nam, chất thải rắn nói chung đều đưa ra chôn lấp, chưa đảm bảo yêu cầu, các rác thải nhựa rò rỉ ra môi trường là chủ yếu. Trong đó, rác thải nhựa tốt rất ít rò rỉ ra môi trường, còn lại là các rác thải nhựa cứng, bao bì thực phẩm khó phân huỷ.
Hiện, Việt Nam là nước nhập khẩu nhựa đứng hàng đầu thế giới do cơ cấu chủ yếu là sản xuất và xuất khẩu đều có sử dụng nhựa trong đóng gói sản phẩm. “Nên nói Việt Nam là nước thải nhựa đứng thứ 4 trên thế giới, tôi thấy không biết các cơ quan nghiên cứu dựa vào con số nào để đánh giá?”, ông Hải cho hay.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhìn nhận tại Việt Nam mới chỉ có 7-9% các chất thải nhựa được đưa vào tái chế vì rất phức tạp và khó khăn. Đây cũng là vấn đề làm “đau đầu” các nước trên thế giới, bởi chưa xây dựng được thị trường sử dụng các hạt nhựa tái chế.
Trên thế giới có một nước duy nhất có khả năng tái chế và nhập khẩu rác thải nhựa là Trung Quốc, nhưng hiện nay đã cấm hoàn toàn. Gần đây, nhiều quốc gia khác cũng đã ban hành quy định cấm nhập khẩu rác thải nhựa như: Ấn Độ, Malaysia… Việt Nam cũng đang siết chặt việc nhập khẩu rác thải. Vấn đề đặt ra là rác thải nhựa đi đâu về đâu?
Cần tạo ra thị trường sử dụng các rác thải nguyên vật liệu tái chế |
Nền kinh tế tuần hoàn
Ông Hải cũng đánh giá việc tái chế và đốt nhựa không tốt bằng chôn lấp vì giảm lượng lớn khí CO ra môi trường. Nếu biến rác thải thành năng lượng cần nhiệt lượng từ 400- 700 độ C, với nhiệt lượng đó sẽ thải ra nhiều chất độc hại cho môi trường.
Vì thế, muốn tái chế rác thải nhựa cần xây dựng được thị trường sử dụng rác thải nhựa tái chế, sản xuất được vật liệu có thể tái chế và tổ chức thu gom rác thải nhựa có thể tái chế. Thực tế, Việt Nam có một vài dự án đã đang làm tốt.
Chia sẻ thêm, lãnh đạo một số doanh nghiệp (DN) cho rằng đối với các nhà đầu tư mục tiêu số 1 là lợi nhuận, nhưng hiện nay DN chú trọng đến việc tăng lợi nhuận song hành cùng với phát triển bền vững.
Chẳng hạn, ngành hoá chất, dệt may: làm thế nào tiêu thụ hoá chất bớt đi để bảo vệ môi trường, chất thải nhựa không nhìn nhận là chất thải nữa mà là nguồn lực, sử dụng nó thông minh, trách nhiệm, bảo vệ môi trường.
“Chúng tôi đã có những định hướng bền vững, muốn thúc đẩy sự tăng trưởng hoạt động kinh doanh, giúp cho sự phát triển, bản cân đối kế toán nhỏ thôi, không phải hướng đến lợi nhuận nhiều”, đại diện của công ty AFC cho hay.
Thống kê cho thấy hiện có 6% các toà nhà chung cư tiết kiệm 25% năng lượng, lượng nước tiêu thụ. “Chúng tôi cố gắng đặt ra nguyên tắc vận hành DN giảm thiếu tác động đến môi trường. Hiện, Việt Nam đã có công trình xanh, môi trường xanh”, lãnh đạo một DN cho hay.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Singapore, ông Fausto Tazzi, Phó Chủ tịch Tổ chức Tái chế Bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), cho rằng Chính phủ Việt Nam cần có những chính sách để hạn chế rác thải nhựa sau tiêu dùng. Thậm chí, Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước bằng cách giảm thiểu những bao bì bằng nhựa, vấn đề nâng cao nhận thức của người dân cũng rất quan trọng.
Chẳng hạn, Singapore có sáng kiến quản lý rác thải tái chế từ cách đây 12 năm, theo đó chính phủ phối hợp với ngành thoả thuận về hoạt động đóng gói để các bên chung tay giảm thiểu rác thải đóng gói, bao bì đồ uống hạn chế sử dụng đồ nhựa; xây dựng mức chuẩn mực về vấn đề này; tổ chức giải thưởng thường niên trao cho DN thực hiện tốt; kêu gọi có sự tham gia công ty đa quốc gia và DN nhỏ và vừa; dán logo vào từng sản phẩm để người tiêu dùng nhìn thấy tầm quan trọng và nâng cao nhận thức...
“Năm 2019, Singapore có 230 công ty tham gia, giảm mỗi năm 46.000 tấn rác thải, tiết kiệm 130 triệu USD”, đại diện PRO Việt Nam cho hay.
Sử dụng nguyên liệu tái chế từ bao bì và giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa là giải pháp để sản xuất và phát triển bền vững. Do vậy, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký VCCI Nguyễn Quang Vinh lưu ý “đã đến lúc DN không chỉ nghĩ đến kinh doanh đơn thuần, mà cần tập trung để tham gia nền kinh tế tuần hoàn với hoạt động tái chế rác thải từ bao bì”.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Chất lượng và tiêu chuẩn là đặc điểm cơ bản để đánh giá tất cả các loại hàng hoá, đặc biệt là đối với thực phẩm và đồ uống vì chúng giúp người tiêu dùng hiểu các thông tin quan trọng về sản phẩm họ mua và đồng thời cải thiện tính minh bạch trong quản lý thực phẩm. Việc cải tiến quản lý tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm cũng sẽ dẫn đến việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá của các DN trong nước bằng cách chuẩn hoá các quy định về chất lượng đáp ứng các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Mary Tarnowka - Giám đốc Điều hành AmCham Việt Nam Khi dân số Việt Nam tiếp tục tăng, cùng với sự gia tăng về thu nhập, sức mua và nhu cầu đối với những thị trường thực phẩm và đồ uống mới, các vấn đề về tính bền vững và các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng. Do đó, cần có chính sách mới phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy các quy định được cải tiến dựa trên khoa học phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đảm bảo các sản phẩm thực phẩm và đồ uống an toàn cho người tiêu dùng Việt Nam và sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Những tiêu chuẩn đó cũng giúp tạo điều kiện cho Việt Nam tăng nhanh xuất khẩu thực phẩm và đồ uống.
Ông Nguyễn Thi - Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT Hoạt động xử lý chất thải rác sinh hoạt ở nước ta hiện nay là đem đi chôn lấp, việc tái chế, tái sử dụng chiếm tỷ lệ rất nhỏ và phụ thuộc phần lớn vào việc nhặt phế liệu có thể tái chế của hệ thống thu gom phế liệu không chính thức. Riêng đối với rác thải nhựa, chưa có quy định về phân loại các loại nhựa, kể cả trong sử dụng làm nguyên liệu cũng như trong phân loại, tái chế rác thải nhựa nên không có chính sách để quản lý phù hợp; chưa có quy chuẩn bảo vệ môi trường đối với chất thải nhựa
Thanh Hoa