Tăng trưởng bền vững cần bảo vệ vốn tự nhiên cho tương lai

09:33 06/06/2024

Theo các chuyên gia, nếu chỉ tập trung tích lũy nhanh vốn vật chất, tài chính và con người, mà thiếu đi sự quan tâm tới sự suy giảm, cạn kiệt của vốn tự nhiên sẽ tạo ra những rủi ro và thách thức lớn cho thế hệ tương lai.

Tại Lễ phát động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2024, TS. Trần Ngọc Cường - nguyên Trưởng phòng Sinh thái, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ TN&MT), cho biết, phát triển kinh tế bền vững thông qua việc thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải carbon, đầu tư vào vốn tự nhiên đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế của các nước trên thế giới hiện nay, nhất là các nước đang phát triển.

Các mô hình này tập trung vào việc đầu tư sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, phân phối và kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ hướng tới tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu, vật liệu, năng lượng và chất thải, thân thiện với môi trường; đầu tư vào vốn tự nhiên.

TS. Trần Ngọc Cường - Nguyên Trưởng phòng Sinh thái
TS. Trần Ngọc Cường - Nguyên Trưởng phòng Sinh thái.

Theo ông Cường, ở nước ta, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững cũng đã được ban hành nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý tạo nền tảng cho thúc đẩy các mô hình kinh tế này.

"Vốn tự nhiên là các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, nguồn lợi thủy sản, khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch, các nguồn năng lượng tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Cũng giống như các dạng vốn khác (vốn vật chất, vốn tài chính và vốn con người), vốn tự nhiên cũng có thể bị suy giảm và suy thoái do quá trình sản xuất và tiêu dùng”, ông Cường phân tích.

Theo TS. Cường, với mô hình tăng trưởng trước đây, chúng ta mới chỉ tập trung tích lũy nhanh vốn vật chất, tài chính và con người, mà thiếu đi sự quan tâm tới sự suy giảm, cạn kiệt của vốn tự nhiên, tạo ra những rủi ro và thách thức lớn cho thế hệ tương lai.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Để giải quyết các vấn đề này, Luật BVMT 2020 đã bổ sung một chương về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho BVMT. Trong đó, Luật đã bổ sung các chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên; đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, Luật cũng bổ sung chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho BVMT.

Ngoài ra, việc thúc đẩy kinh tế ít phát thải carbon đã dần được cụ thể hóa qua chế định về tổ chức và phát triển thị trường carbon như công cụ để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính trong nước, góp phần thực hiện đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

TS. Phạm Thị Trầm - Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng khẳng định, nguồn vốn tự nhiên này đang bị suy giảm do tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, cần có những hướng dẫn kỹ thuật đánh giá tác động môi trường chi tiết của dự án đầu tư đến di sản thiên nhiên, nhằm đáp ứng các yếu tố pháp lý, khoa học và thực tiễn.

Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng chỉ ra 5 lĩnh vực cần ưu tiên tăng trưởng xanh, đó là nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao; phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững; chuyển đổi năng lượng sạch; áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn (hiện tại, 62% khí thải nhà kính là từ sản xuất, 38% từ phân phối và tiêu dùng); gìn giữ đại dương sạch và hiệu quả (Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố có kinh tế biển...)

Phát biểu kết luận Tọa đàm, bà Hoàng Thanh Nhàn, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng nhấn mạnh, tăng trưởng xanh chỉ có thể triển khai thành công nếu cả cộng đồng chung tay, thay đổi từ nhận thức đến hành vi. Đây là quá trình đòi hỏi cả hệ thống cải cách đồng bộ từ chính sách hỗ trợ, công nghệ, tài chính và năng lực để vận hành nền kinh tế một cách mới hoàn toàn.

Bên cạnh đó cũng cần sự vào cuộc của các kênh truyền thông-báo chí nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, cơ quan, tổ chức về tầm quan trọng và vai trò của tăng trưởng xanh; nâng cao ý thức của mọi người trong việc sử dụng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường...

P.V (t/h)