Bài liên quan |
Hà Nội ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2026–2030 |
Nghị quyết 68: Kỳ vọng lớn từ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phát triển kinh tế tư nhân |
PV: Thưa ông, với vai trò là người trực tiếp tiếp xúc và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông đánh giá như thế nào về nhu cầu pháp chế hiện nay trong khối doanh nghiệp này?
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa: Từ thực tiễn làm việc, tôi nhận thấy rằng các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang ngày càng nâng cao nhận thức về vấn đề tuân thủ pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Không còn đơn thuần là phản ứng khi xảy ra rủi ro, nhiều doanh nghiệp hiện nay đã chủ động tìm hiểu và xây dựng hệ thống pháp chế nội bộ để quản lý rủi ro ngay từ đầu.
Điều này xuất phát từ việc Nhà nước thời gian qua đã ban hành nhiều chính sách bảo vệ người tiêu dùng, điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo hướng minh bạch, công bằng và tuân thủ. Trước sức ép đó, doanh nghiệp nếu không nâng cao khả năng thích ứng về mặt pháp lý thì rất dễ gặp rủi ro, thậm chí đối mặt với chế tài nghiêm khắc.
Tôi đặc biệt vui mừng khi thấy số lượng các chủ doanh nghiệp và đội ngũ nhân sự như hành chính, kế toán... tham gia các khóa đào tạo về pháp chế ngày càng tăng. Trước đây, điều này rất hiếm gặp. Nhưng giờ đây, doanh nghiệp đã bắt đầu hiểu rằng am hiểu pháp luật không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là năng lực cạnh tranh cần thiết trong môi trường kinh doanh hiện đại.
![]() |
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa – Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật sư X, Chủ tịch Học viện Đào tạo Pháp chế ICA. |
PV:Vậy theo ông, các doanh nghiệp hiện nay đã thực sự chủ động trong việc thực thi các quy định pháp luật như thuế, hóa đơn hay các chính sách mới hay chưa?
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa: Tôi cho rằng phần lớn doanh nghiệp đều có tinh thần chủ động trong việc thực thi các quy định pháp luật, đặc biệt là về thuế và hóa đơn. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là hệ thống chính sách hiện nay thay đổi nhanh chóng và khá phức tạp. Như Tổng Bí thư từng nói, doanh nghiệp đang ở trong tình thế "vừa chạy vừa xếp hàng", vừa vận hành vừa thích nghi.
Do đó, dù có thiện chí và mong muốn tuân thủ, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc tiếp cận thông tin, hiểu và thực thi đầy đủ quy định. Đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ, hạn chế về nhân sự chuyên môn khiến họ dễ lúng túng khi xuất hiện các chính sách mới hoặc yêu cầu về thủ tục, biểu mẫu.
Tôi kỳ vọng trong thời gian tới, các cơ quan nhà nước sẽ ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn đặc biệt là với các vấn đề như thuế hộ kinh doanh, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khi có đầy đủ biểu mẫu, hướng dẫn chi tiết và minh bạch về điều kiện hưởng ưu đãi, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện đúng pháp luật, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh.
![]() |
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa trong một buổi đào tạo pháp chế cho doanh nghiệp tại ICA. |
PV: Một thực tế là nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc hiểu và thực thi quy định pháp luật. Theo ông, đâu là mấu chốt để giải quyết vấn đề này, và ông có thể đề xuất giải pháp cụ thể nào không?
Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa: Mấu chốt, theo tôi, nằm ở khả năng thích ứng và cập nhật kiến thức pháp lý của doanh nghiệp. Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay có bộ máy chưa chuyên nghiệp, thiếu đội ngũ pháp chế bài bản. Khi chính sách thay đổi liên tục, họ khó nắm bắt kịp thời nếu không tham gia các hội nhóm, hiệp hội doanh nghiệp hay các chương trình đào tạo chuyên sâu.
Vấn đề không chỉ nằm ở bên ngoài, mà còn xuất phát từ nội tại doanh nghiệp: Quy trình chưa hoàn thiện, thiếu cơ chế rà soát pháp lý, chậm thích nghi với công nghệ quản lý thông tin... Điều này dẫn đến tình trạng lúng túng khi triển khai quy định mới, hoặc áp dụng chưa đúng, chưa đủ, gây thiệt hại không nhỏ.
Giải pháp theo tôi gồm hai hướng. Một là từ phía doanh nghiệp, cần chủ động nâng cao năng lực pháp lý nội bộ, thông qua việc đào tạo, thuê tư vấn hoặc hợp tác chiến lược với các đơn vị pháp chế chuyên nghiệp. Hai là từ phía Nhà nước, cần hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, ban hành các hướng dẫn rõ ràng, dễ tiếp cận và dễ áp dụng.
Trong bối cảnh hiện nay, khi pháp luật trở thành công cụ định hình môi trường kinh doanh, việc doanh nghiệp chủ động tiếp cận và ứng dụng kiến thức pháp lý không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn là lợi thế để tồn tại và phát triển bền vững. Học viện Đào tạo Pháp chế ICA của chúng tôi cũng đang lan tỏa thông điệp này tới cộng đồng doanh nghiệp và sẵn sàng trở thành người bạn đồng hành tin cậy với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.