Theo đánh giá mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường ngành công nghệ TopDev, tốc độ tăng trưởng của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam được đo lường đạt mức 35% mỗi năm, nhanh hơn thị trường Nhật Bản 2,5 lần. Trong năm 2020, con số của người mua sắm Việt được dự đoán tăng 52%, nâng tổng doanh thu lên đến 10 tỷ USD.
Lo thiếu sự cởi mở
Cũng theo TopDev, thị trường TMĐT ở Việt Nam trải qua nhiều thay đổi trong giai đoạn cách ly xã hội bởi dịch Covid-19 và khi nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng thay đổi các thứ tự ưu tiên. Nhưng cũng từ sự chuyển biến này, mới thấy sự cần thiết của các website TMĐT luôn phải nhanh nhạy và nắm bắt xu hướng thị trường.
Khâu chính sách với hoạt động TMĐT cần cởi mở, giảm bớt thủ tục
Tuy nhiên, giới chuyên gia bày tỏ lo ngại hoạt động bán hàng trực tuyến (online) cũng như các website TMĐT của các doanh nghiệp (DN) nội địa sẽ khó tự phát triển thành công nếu như khâu hoạch định chính sách thiếu đi sự cởi mở.
Nhận định gần đây của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) rất đáng lưu tâm khi cho rằng “có sự chậm trễ và lúng túng trong việc ban hành văn bản pháp luật nhằm tạo môi trường thuận lợi hơn cho kinh doanh trực tuyến”.
Nhất là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có tính thông thoáng như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA)...đang tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho việc kinh doanh trực tuyến. Thế nhưng trong hoạch định chính sách và ban hành văn bản pháp luật vẫn còn những khúc mắc với DN.
Mới đây, trong góp ý với Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) về Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị cơ quan soạn thảo nên cân nhắc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực này.
Chẳng hạn như thủ tục thông báo với website TMĐT bán hàng. Về bản chất, đây chỉ là một kênh bán hàng mới (trên internet) bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, không phải là một công việc kinh doanh mới.
Trong khi đó, các thương nhân đã phải thực hiện các thủ tục đăng ký với Nhà nước trước khi bắt đầu kinh doanh (đăng ký kinh doanh, chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hoá).
“Cho nên, việc thương nhân khi triển khai thêm một kênh bán hàng trên internet phải thực hiện thêm thủ tục thông báo vô hình chung tạo ra gánh nặng hành chính không cần thiết”, VCCI lưu ý.
Nên giảm bớt thủ tục
Hơn nữa, theo khảo sát được thực hiện bởi Cục TMĐT và Kinh tế số đa phần các thông tin phản ánh của người dân qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT chủ yếu liên quan đến việc DN không thực hiện thủ tục hành chính (thủ tục đăng ký, thông báo hoạt động), chiếm từ 78% trở lên số phản ánh.
Cho đến nay, cũng chưa hề có phản ánh tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội từ việc các DN không đăng ký website TMĐT của mình. Như vậy, có thể thấy các thủ tục hành chính trong lĩnh vực TMĐT không mang lại lợi ích quản lý nhà nước nào rõ ràng, thậm chí còn đang trở thành rào cản với thương nhân khi tận dụng cơ hội từ TMĐT.
Vì vậy, VCCI đề nghị cần bãi bỏ hoàn toàn thủ tục thông báo với các website TMĐT bán hàng. Việc kiểm soát hoạt động của các trang này có thể thực hiện theo phương pháp “hậu kiểm thay vì phương pháp tiền kiểm”.
Hoặc như ở Điều 36.1 Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định tất cả các sàn TMĐT, bất kể quy mô, đều phải thực hiện thủ tục cấp phép trước khi hoạt động.
Nhiều DN phản ánh phương thức quản lý các sàn TMĐT lớn, nhỏ như nhau là chưa hợp lý do việc này khiến các sàn TMĐT nhỏ hoặc mới phát hành thử nghiệm (startup) bị quản lý quá chặt.
Thực tế, mặc dù cả nước có 910 sàn TMĐT được cấp phép (thống kê chính thức từ cách đây 2 năm), nhưng 20 sàn TMĐT lớn nhất đã chiếm đến 86% tổng doanh thu, còn lại đa phần là các sàn nhỏ.
Do vậy, VCCI đề nghị nên có cơ chế quản lý theo hướng giảm bớt các thủ tục đối với các sàn TMĐT nhỏ. Theo đó, các sàn TMĐT nhỏ chỉ phải thực hiện thủ tục thông báo khi bắt đầu hoạt động, và chỉ phải thực hiện thủ tục cấp phép khi đã phát triển đến một ngưỡng nhất định.
Hoặc như chính sách về quản lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng trên môi trường điện tử. Dư luận bày tỏ sự đồng tình với mục tiêu của chính sách, do việc áp dụng các biện pháp để quản lý hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng kém chất lượng là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng, từ đó giúp phát triển TMĐT bền vững.
“Tuy nhiên, việc áp dụng các biện pháp quản lý cần được cân nhắc để tránh tạo những bất lợi không cần thiết cho việc phát triển của TMĐT”, VCCI nhấn mạnh.
Theo giới chuyên gia, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và khâu hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy TMĐT và kinh tế số không chỉ dừng lại ở việc ban hành các văn bản tháo gỡ các khó khăn nảy sinh từ thực tiễn kinh doanh mà trong nhiều trường hợp cần có tính định hướng thị trường để hoạt động bán hàng online ở Việt Nam phát triển lành mạnh và bền vững hơn.
Thế Vinh