Nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng với nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh minh họa.
Báo cáo công tác tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm 2018 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho thấy, đơn vị này đã ghi nhận 3.953 cuộc gọi đến, trong đó các tổng đài viên của Cục đã tiếp nhận và trả lời 2.240 cuộc gọi, chiếm 56,67%.
Trong số 2.240 cuộc gọi có nhân viên trả lời, có 987 cuộc gọi liên quan đến yêu cầu hỗ trợ giải quyết khiếu nại hoặc phản ánh vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, các cuộc gọi còn lại có nội dung tư vấn các lĩnh vực khác.
Đáng chú ý, xét theo ngành hàng và lĩnh vực, ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm (372 trường hợp, chiếm khoảng 37,68%). Sau đó là nhóm Điện thoại, viễn thông (108 trường hợp, chiếm 10,94%) và nhóm Đồ điện tử gia dụng (100 trường hợp, chiếm 10,13%) .
Các vụ việc phân chia theo ngành hàng, lĩnh vực. (Nguồn: Bộ Công Thương)
"Đây là điểm khác biệt so với những năm trước. Trong các năm gần đây, nhóm ngành hàng thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất là Hàng hóa tiêu dùng thường ngày, với sự chênh lệch số lượng so với các nhóm ngành hàng khác là rất lớn. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2018, ngành hàng Tài chính, bảo hiểm, ngân hàng lại là nhóm chiếm số lượng nhiều nhất, gấp 3,4 lần so với nhóm ngành hàng nhiều thứ 2 là Điện thoại, viễn thông", Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nhận định.
Cũng theo đơn vị này, trong nhóm ngành hàng Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chủ thể bị khiếu nại chủ yếu tập trung vào các công ty tài chính, nội dung khiếu nại chủ yếu liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng với nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng như cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ, gây nhầm lẫn; sử dụng mẫu hợp đồng có cỡ chữ nhỏ, không cung cấp hợp đồng cho người tiêu dùng sau khi ký, thu hồi nợ mang tính chất đe dọa, gây áp lực ảnh hưởng đến uy tín, tâm lý của người tiêu dùng…
Các vụ việc phân chia theo hành vi. (Nguồn: Bộ Công Thương)
Mặt khác, trong số 987 yêu cầu gọi tới Cục, nếu phân loại theo hành vi bị khiếu nại, có 17,12% trường hợp phản ánh về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Hành vi tiếp theo được yêu cầu tư vấn là bảo hành với tỉ lệ 13,57%. Các trường hợp còn lại khiếu nại, phản ánh về cung cấp thông tin (6,38%), giao kết hợp đồng (5.27%) và các hành vi khác.
Phân loại khiếu nại theo tỉnh, thành. (Nguồn: Bộ Công Thương)
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là 2 địa phương có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (tương ứng 288 và 185 vụ việc chiếm tỷ lệ lần lượt là 29,17% và 18,74% tổng số khiếu nại). Hai thành phố này chiếm tỉ lệ cao hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành xếp sau đó như Đồng Nai, Bình Dương, Cà Mau, Long An, Cần Thơ với tỷ lệ khoảng 1 – 4 %.
Duyên Duyên