Còn thiếu và yếu
Trong nhiều khảo sát cho thấy, số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương vẫn chưa có đội ngũ chuyên trách về công nghệ thông tin. Nhiều doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận các nền tảng số, quảng bá sản phẩm trực tuyến, sử dụng phần mềm quản trị hay phân tích dữ liệu.
Chủ một cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống tại Khánh Hòa thừa nhận: Bán hàng qua mạng sẽ giúp mở rộng khách hàng nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Không ai trong xưởng biết chạy quảng cáo hay tạo gian hàng trên sàn thương mại điện tử.
![]() |
Chuyên gia chia sẻ tại Hội nghị tập huấn “Tăng cường kỹ năng kinh doanh trên môi trường số và chiến lược livestream hiệu quả” |
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể vẫn còn tư duy kinh doanh kiểu truyền thống, ngại thay đổi, thiếu nhân lực am hiểu công nghệ. Điều này khiến họ bỏ lỡ cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên mua sắm trực tuyến.
Nhiều địa phương cũng chung tình trạng này, nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhờ hệ sinh thái đa dạng nên hầu hết các tỉnh miền núi đều có sản vật phong phú, tuy nhiên, việc thiếu liên kết vùng, hạ tầng logistics hạn chế, kỹ năng số chưa đồng đều đang là rào cản lớn khiến nhiều sản phẩm vùng cao khó tiếp cận thị trường rộng lớn.
Chia sẻ thực tế tại Hội nghị tập huấn “Tăng cường kỹ năng kinh doanh trên môi trường số và chiến lược livestream hiệu quả, do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 27/5, bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai – cho hay, chuyển đổi số và thương mại điện tử vẫn là một lĩnh vực còn mới mẻ đối với nhiều tổ chức và cá nhân, đặc biệt là ở các khu vực miền núi và vùng sâu, vùng xa, trong đó nhiều địa phương ở Gia Lai cũng không ngoại lệ.
Bàn về vấn đề này, bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - nhấn mạnh: Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Thương mại điện tử chính là một trong những trụ cột then chốt để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại các địa phương, đặc biệt các khu vực còn nhiều khó khăn...
Tăng cường kỹ năng cho doanh nghiệp
Nhằm trang bị cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tại Gia Lai kiến thức và kỹ năng về phát triển thương hiệu cá nhân qua nền tảng TikTok, cải thiện kỹ năng livestream, ngày 27/5/2025, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tập huấn “Tăng cường kỹ năng kinh doanh trên môi trường số và chiến lược livestream hiệu quả”.
Chương trình không chỉ giúp các học viên nâng cao kỹ năng kinh doanh trực tuyến mà còn mở ra cơ hội lớn để các sản phẩm tại Gia Lai tiếp cận khách hàng tiềm năng qua các nền tảng thương mại điện tử, đặc biệt là Livestream và TikTok. Đây là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp địa phương quảng bá sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi số và gia tăng doanh thu bền vững.
Bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai – cho biết, chỉ số thương mại điện tử cấp tỉnh (EBI) đã tăng 9 bậc so với năm trước, vươn lên xếp thứ 37/63 tỉnh thành. Đây là kết quả của sự nỗ lực trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành, cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên chuyển đổi số và thương mại điện tử vẫn là một lĩnh vực còn mới mẻ đối với nhiều tổ chức và cá nhân, đặc biệt là ở các khu vực miền núi và vùng sâu, vùng xa.
Chính vì vậy, việc tổ chức chương trình tập huấn này là hết sức cần thiết, nhằm trang bị cho các doanh nghiệp và cá nhân tại địa phương những kỹ năng thực tiễn về livestream và kinh doanh online, giúp họ nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chương trình tập huấn đặc biệt chú trọng vào xây dựng nền tảng nội dung video, chiến lược livestream, kỹ thuật để tạo ra video ngắn thu hút, lồng ghép thông điệp bán hàng một cách tự nhiên, gần gũi nhất, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng và hiệu quả hơn với khách hàng.
Ngoài phần lý thuyết, các học viên còn được tham gia vào các buổi trao đổi và thảo luận. Tại phiên này, họ có thể chia sẻ những khó khăn, cũng như giải pháp thực tế mà mình đang áp dụng trong kinh doanh. Các buổi thảo luận mang lại cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cũng như trao đổi những kinh nghiệm quý báu trong quá trình chuyển đổi số.
Trước đó, tại tỉnh Lai Châu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã phối hợp cùng chuyên gia tổ chức lớp tập huấn thực hành cho các hợp tác xã, hộ kinh doanh và lực lượng khởi nghiệp trẻ một số giải pháp ứng dụng công nghệ trong phát triển kinh tế số.
Hiểu được khó khăn của doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong áp dụng thương mại điện tử, eComDX cho biết sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu, với phương châm "Học thật - Làm thật - Lợi ích thật". Các khóa học sẽ tập trung vào xây dựng nội dung số, chiến lược livestream và phát triển kinh tế số tại địa phương, giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu và mở rộng thị trường.
Trong thời gian tới, eComDX cũng sẽ thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo đa dạng nhằm giúp doanh nghiệp hoàn thiện kỹ năng cần thiết trong thương mại điện tử. Các khóa học này sẽ đặc biệt chú trọng vào những nội dung quan trọng như bán hàng hiệu quả qua livestream, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động kinh doanh, cùng với các vấn đề pháp lý cần lưu ý khi kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử. Đồng thời, chương trình còn góp phần kết nối sản phẩm địa phương với ngành du lịch trải nghiệm, thúc đẩy sự phát triển bền vững và phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử mạnh mẽ tại địa phương.