Doanh nghiệp “khát” nhân lực
Ông Nguyễn Thành Phương - Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ - cho biết, Sao Đỏ đang tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực mới là logistics với quy mô quy hoạch khoảng 170ha tại Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Hải Phòng). Tuy nhiên, tập đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao. “Các địa phương nên hình thành và liên kết với những trường đào tạo chuyên ngành về logistics, đặc biệt liên kết với nhà đầu tư từ nước ngoài trong việc đào tạo nguồn nhân lực này” - ông Nguyễn Thành Phương nói.
Nhân lực ngành logistics còn nhiều hạn chế |
Theo Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ngoài khó khăn về vốn, DN logistics Việt Nam đang phải đối mặt với tình hình thiếu đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, lao động được đào tạo bài bản trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Theo kết quả khảo sát của hiệp hội, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này…
Quy mô đào tạo chính quy dài hạn và đào tạo ngắn hạn chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực logistics của DN. Do đó, 85,7% DN Việt Nam phải tự đào tạo, bồi dưỡng nhân lực logistics thông qua thực tế công việc. Đặc biệt, một số DN logistics quy mô lớn đã tự đầu tư trung tâm đào tạo nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng riêng để bảo đảm mục tiêu phát triển.
Hóa giải nỗi lo “hụt” lao động
Rõ ràng, nhu cầu nguồn nhân lực cho ngành logistics đang ngày càng trở nên cấp thiết, khi ngành logistics Việt Nam đang có bước phát triển nhanh với tốc độ lên đến 13 - 15%. Tại Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ ra 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, trong đó, nhóm nhiệm vụ thứ 5 là đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực. Gần đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 708/QĐ-BCT phê duyệt Kế hoạch cải thiện chỉ số hiệu quả logistics Việt Nam với 7 nhóm nhiệm vụ, trong đó, nhóm nhiệm vụ bổ trợ nhấn mạnh các nội dung liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực.
Theo nhiều chuyên gia, để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, đòi hỏi sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề. Theo đó, Chính phủ cần rà soát và tiếp tục thực hiện các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động logistics. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với DN nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…
PGS.TS Lê Quốc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hàng hải Việt Nam - cho rằng, để nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực logistics, cần kiên trì phát triển nguồn nhân lực giảng viên giảng dạy về logistics; thu hút các chuyên gia về logistics trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy, đào tạo; liên kết chặt chẽ với DN xây dựng chương trình đào tạo, thực hành, thực tập…
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Trong thời gian tới, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics, bởi những người làm về logistics của chúng ta hiện nay được đào tạo từ các nguồn khác nhau và chưa có một nền tảng kiến thức đào tạo một cách chắc chắc, bài bản về logistics. |
Quỳnh Nga