Ngành công nghiệp kỹ thuật số: Mục tiêu bị đánh thuế

00:00 12/10/2020

Những nỗ lực đánh thuế của các nước có nguy cơ làm Tổng thống Mỹ Donald Trump “nổi cáu”, bởi vì nhiều dịch vụ thương mại điện tử phổ biến nhất, từ mạng xã hội đến phát video và bán lẻ trực tuyến thuộc về các công ty Mỹ...

Ngành công nghiệp kỹ thuật số: Mục tiêu bị đánh thuế

Tìm kiếm nguồn thuế mới

Khi Indonesia tìm kiếm những nguồn lực mới để tài trợ cho chi tiêu của chính phủ vào việc cứu trợ nền kinh tế trước đại dịch vào tháng trước, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đã tìm đến một động lực trong nền kinh tế vẫn còn “khỏe mạnh”: Internet. Theo đó, chính phủ nước này đã quyết định đánh thuế các công ty kỹ thuật số bằng thuế giao dịch điện tử, vì doanh số của họ tăng vọt trong bối cảnh Covid-19 bùng phát.

Trong bối cảnh nền kinh tế thực bị thiệt hại nghiêm trọng, các chính phủ thất thu thuế trong khi phải đẩy mạnh chi tiêu bằng các gói giải cứu, thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng ở khắp các nền kinh tế, các nhà chức trách tài chính đang “săn lùng” bất kỳ hình thức thương mại và tiêu dùng nào họ có thể đánh thuế. Do “miễn dịch” trước Covid-19, ngành công nghiệp kỹ thuật số đang trở thành mục tiêu đánh thuế cao của nhiều quốc gia.

Nhưng mọi chuyện có thể không đơn giản như vậy. Những nỗ lực đánh thuế của các nước có nguy cơ làm Tổng thống Mỹ Donald Trump “nổi cáu”, bởi vì nhiều dịch vụ thương mại điện tử từ mạng xã hội đến phát video và bán lẻ trực tuyến thuộc về các công ty Mỹ.

Trong khi đại dịch tàn phá hàng loạt ngành công nghiệp truyền thống, các chính sách khuyến khích ở nhà đã phát huy thế mạnh của các công ty số, bao gồm cả Facebook, Apple, Amazon, Netflix, Alphabet và cả Microsoft. Nhìn chung, nhóm này đã tạo ra doanh thu khoảng 234 tỷ USD trong quý đầu tiên, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Một báo cáo gần đây từ Hội nghị Thương mại và Phát triển của Liên Hiệp Quốc cho biết, doanh số thương mại điện tử trên toàn thế giới đạt gần 26.000 tỷ USD vào năm 2018, tương đương gần một phần ba tổng sản phẩm quốc gia trên toàn cầu. Những kết quả tăng trưởng mạnh mẽ như vậy có xu hướng thu hút sự chú ý của các quan chức tài chính vốn đang đau đầu với sự thâm hụt ngân sách và chịu áp lực tìm kiếm tài trợ cho các gói giải cứu kinh tế.

Sáu quốc gia ở châu Âu, gồm Áo, Pháp, Hungary, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh đã công bố kế hoạch đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số, trong khi ít nhất sáu quốc gia khác gồm Czech, Slovakia, Tây Ban Nha, Latvia, Na Uy, Slovenia, đã thảo luận về việc thực hiện chính sách này.

Bộ trưởng Tài chính và Kinh tế Pháp Bruno Le Maire gần đây chia sẻ rằng: “Những công ty kỹ thuật số khổng lồ được hưởng lợi chính từ cuộc khủng hoảng này, vì vậy việc đánh thuế họ chưa bao giờ cần thiết hơn thế vào lúc này”.

Chẳng những vậy, cuộc khủng hoảng dịch bệnh đã làm tăng khả năng các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nỗ lực xây dựng một thỏa thuận đánh thuế kỹ thuật số đa phương trên toàn cầu.

Mâu thuẫn lợi ích

Mặc dù các nhà đàm phán của OECD đã cam kết sẽ sớm hoàn thiện một thỏa thuận như nói trên trong năm nay, một số tổ chức bao gồm Hội đồng Kinh doanh Quốc tế Hoa Kỳ đã kêu gọi tạm dừng đàm phán vì đại dịch chưa được khống chế. Các nhóm này cho rằng giới hạn di chuyển và những hạn chế khác là rào cản chính tạo ra một thỏa thuận trong năm nay, điều mà ngay cả các quan chức hàng đầu của OECD cũng thừa nhận, khi mà đàm phán nhưng không thể gặp gỡ trực tiếp là một phương án bất khả thi.

Các dòng thuế kỹ thuật số có thể gây khó khăn cho những nỗ lực của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm tạo ra một thỏa thuận thương mại điện tử rộng lớn, với mục tiêu hướng đến sự hài hòa trong các quy tắc của nền kinh tế kỹ thuật số.

Vào tháng 2, OECD cho biết việc cập nhật các quy tắc thuế toàn cầu nói trên có thể mang lại nguồn thu lên tới 100 tỷ USD cho các chính phủ. Giá trị này tuy không đáng là bao so với con số thâm hụt ngân sách ước lên đến 3.700 tỷ USD mà Mỹ đang phải đối mặt trong năm nay, nhưng các nền kinh tế nhỏ hơn rõ ràng rất muốn có được một phần của lợi ích này.

Vào năm ngoái, ông Trump đã gửi một cảnh báo tới các bộ trưởng tài chính các nước, khi ông đe dọa sẽ áp thuế 100% đối với rượu vang, phô mai và các sản phẩm trang điểm trị giá 2,4 tỷ USD của Pháp, để trả đũa việc đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số mà Chính phủ Pháp muốn thực hiện. Ông nói: “Nếu có ai đó tận dụng lợi thế của các công ty Mỹ, thì đó sẽ là chúng tôi, chứ không phải là Pháp”.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh đang gây ra những thiệt hại quá nghiêm trọng, nhiều chính phủ có thể mạo hiểm lờ đi những cảnh báo của ông Trump. Dù vậy, các dòng thuế kỹ thuật số có thể gây khó khăn cho những nỗ lực của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhằm tạo ra một thỏa thuận thương mại điện tử rộng lớn, với mục tiêu hướng đến sự hài hòa trong các quy tắc của nền kinh tế kỹ thuật số.

Liên minh châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và 46 thành viên của WTO đang đàm phán các quy tắc mới để điều chỉnh việc sử dụng luồng dữ liệu xuyên biên giới, địa phương hóa dữ liệu, quyền riêng tư, an ninh mạng và gia hạn vĩnh viễn đối với thuế thương mại điện tử.

Kể từ năm 1998, 164 thành viên của WTO đã đồng ý tiếp tục không áp thuế quan đối với các truyền tải điện tử. Lệnh cấm được gia hạn lần cuối vào tháng 12/2020 và sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi WTO tổ chức hội nghị bộ trưởng tiếp theo, vốn đã bị hoãn lại vì đại dịch.

Nhưng lệnh gia hạn và các cuộc đàm phán thương mại điện tử của WTO có thể sẽ thành vô nghĩa, nếu các quốc gia không thể cưỡng lại cám dỗ áp thuế kỹ thuật số đơn phương trước khi cuộc đàm phán kết thúc.

Lê Phan