![]() |
Hướng đi nào cho sàn thương mại điện tử nội địa trước áp lực cạnh tranh xuyên biên giới ? |
Thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam bước vào năm 2025 với đà tăng trưởng ấn tượng. Theo báo cáo mới nhất từ nền tảng phân tích dữ liệu Metric.vn, tổng doanh số từ bốn sàn TMĐT lớn gồm Shopee, TikTok Shop, Lazada và Tiki đã đạt mốc 101.400 tỷ đồng trong quý I/2025, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy người tiêu dùng Việt ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm trực tuyến, đặc biệt trong bối cảnh TMĐT không còn đơn thuần là kênh bổ trợ mà đã trở thành lựa chọn tiêu dùng chủ yếu.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nóng cũng kéo theo những thách thức lớn về cạnh tranh, đặc biệt là sự bành trướng của các nền tảng xuyên biên giới như Shopee, TikTok Shop,..
Cụ thể, doanh số của TikTok Shop đã tăng vọt 113,8%, giúp thị phần tăng từ 23% lên 35%. Trong khi đó, Shopee – sàn TMĐT chiếm thị phần lớn nhất (62%) – tăng trưởng 29,3%. Ngược lại, Lazada và sàn nội địa Tiki lại chứng kiến mức giảm sâu về doanh số, lần lượt mất 43,5% và 66,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt ấy, câu hỏi đặt ra là: Doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam cần làm gì để trụ vững và vươn lên?
Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Minh - Giảng viên ngành Kinh doanh trên ứng dụng blockchain, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam - cho rằng, khi TMĐT trong nước đang bước vào giai đoạn tăng trưởng nóng, sự hỗ trợ chính sách từ phía Nhà nước nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa trước làn sóng cạnh tranh xuyên biên giới là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo ông, cách hỗ trợ không nên dừng lại ở việc "bảo hộ cứng", mà quan trọng hơn là thiết lập một "chuẩn chơi chung" cho toàn thị trường.
“Khi rào cản thuế, pháp lý và chất lượng được áp dụng đồng đều cho cả doanh nghiệp nội và ngoại, doanh nghiệp Việt mới có cơ hội cạnh tranh bằng chính thế mạnh bản địa của mình. Người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi từ một thị trường minh bạch, đa dạng và an toàn hơn,” ông nhấn mạnh.
![]() |
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Minh - Giảng viên ngành Kinh doanh trên ứng dụng blockchain, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam |
Tiến sĩ Nguyễn Nhật Minh cũng chỉ ra ba điểm mấu chốt trong việc hỗ trợ này: Thứ nhất, siết thuế và hải quan để đảm bảo công bằng giá. Hiện Bộ Tài chính đã yêu cầu các nền tảng nước ngoài như Agoda, Airbnb, PayPal đăng ký và khấu trừ thuế tại nguồn. Đồng thời, dự thảo mới cũng đề xuất đánh thuế với đơn nhập khẩu có giá trị dưới 2 triệu đồng – thay thế mức miễn thuế hiện nay – nhằm xóa bỏ lợi thế "né thuế" của hàng hóa xuyên biên giới.
Thứ hai, buộc nền tảng ngoại có pháp nhân tại Việt Nam và chịu trách nhiệm về chất lượng, dữ liệu. Theo đó, sản phẩm bán vào Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn và bảo vệ quyền riêng tư như doanh nghiệp trong nước.
Thứ ba, khuyến khích doanh nghiệp nội chuyển đổi số. Cụ thể, thực hiện các chương trình hỗ trợ như voucher quảng cáo, ưu đãi sử dụng kho logistics vùng sâu, thí điểm sandbox cho mô hình mua ngay – trả sau, giúp doanh nghiệp đủ năng lực cạnh tranh bằng dịch vụ và đổi mới, chứ không chỉ bằng giá.
"Tóm lại, chính sách cần 'đặt cùng vạch xuất phát' cho mọi bên; khi nghĩa vụ thuế, chất lượng và dữ liệu được áp dụng đồng đều, doanh nghiệp nội mới có cơ hội thắng bằng lợi thế hiểu thị trường bản địa", Tiến sĩ Nguyễn Nhật Minh nhận định. |
![]() |
Thị phần doanh số các sàn thương mại điện tử . |
Ngoài yếu tố chính sách, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Minh nhấn mạnh thêm rằng, trong cuộc chiến giành thị phần hiện nay, việc các doanh nghiệp TMĐT nội địa hợp tác chia sẻ hệ thống logistics, kho bãi và nền tảng công nghệ không chỉ là hướng đi khả thi mà gần như đã trở thành con đường bắt buộc.
“Giảm chi phí logistics đang là bài toán sống còn của TMĐT Việt Nam,” ông phân tích. Hiện nay, chi phí logistics, vận chuyển và hoàn hàng ở Việt Nam chiếm khoảng 17% GDP – mức cao nhất trong khối ASEAN. Nếu mỗi doanh nghiệp đều tự xây dựng kho bãi và tự vận hành đội giao nhận riêng, họ sẽ rất khó cạnh tranh về giá cước và tốc độ với các nền tảng khổng lồ như Shopee Xpress hay TikTok Fulfillment.
Thực tế, mô hình hợp tác trong vận hành đã chứng minh được hiệu quả ở nhiều nơi. Các đơn vị như Boxme đang triển khai dịch vụ kho vận chung, cho phép nhiều doanh nghiệp cùng sử dụng hạ tầng nhưng vẫn giữ tính riêng tư về dữ liệu. Hay như TikiNOW Smart Logistics đã mở hệ sinh thái logistics ra bên ngoài, giúp các doanh nghiệp nhỏ và nhà bán lẻ độc lập tiếp cận được dịch vụ giao hàng nhanh với chi phí tối ưu.
![]() |
Việc các doanh nghiệp TMĐT nội địa hợp tác chia sẻ hệ thống logistics, kho bãi và nền tảng công nghệ được coi là là hướng đi bắt buộc. |
Theo ông, việc “gộp lực” như vậy mang lại những lợi ích thiết thực khi khối lượng đơn hàng tăng giúp hạ giá thành logistics, vùng phủ sóng mở rộng mà không cần nhân đôi hạ tầng, tỷ lệ hoàn hàng giảm nhờ tối ưu hóa vận chuyển chiều về. Thậm chí, các liên doanh giữa sàn TMĐT, ví điện tử và hãng giao nhanh nội địa đang dần hình thành một hệ sinh thái đủ sức cạnh tranh với các nền tảng ngoại. Ví dụ như sự kết hợp giữa GHN, AhaMove (logistics) với Tiki, Sendo (sàn TMĐT) và Momo, ZaloPay (ví điện tử). Qua đó, có thể xây dựng các trung tâm xử lý giao dịch chung (API clearing-house), chia sẻ dữ liệu tồn kho, sử dụng các ứng dụng SaaS (mô hình phần mềm trên đám mây, cung cấp ứng dụng qua Internet cho người dùng) nội địa như Smartlog hay Sapo để quản lý logistics mà không cần phát triển từ đầu.
Dù vậy, ông cũng lưu ý rằng, hợp tác chia sẻ hạ tầng đòi hỏi phải thiết lập các quy trình bảo mật dữ liệu, chuẩn hóa chất lượng dịch vụ và phát triển giải pháp "white-label" để mỗi doanh nghiệp vẫn giữ được bản sắc riêng.
“Khi đối mặt với áp lực chi phí khổng lồ và sự bành trướng mạnh mẽ của các ông lớn xuyên biên giới, việc hợp tác trong logistics, kho bãi và công nghệ không chỉ khả thi mà gần như là con đường duy nhất để TMĐT Việt Nam rút ngắn khoảng cách,” Tiến sĩ Nguyễn Nhật Minh khẳng định.
White label (nhãn trắng) là một mô hình kinh doanh trong đó một nhà cung cấp sản xuất sản phẩm hoặc dịch vụ, sau đó bán sản phẩm hoặc dịch vụ đó cho một doanh nghiệp khác để bán dưới thương hiệu của doanh nghiệp đó. Nhà cung cấp không có quyền kiểm soát thương hiệu hoặc cách thức phân phối sản phẩm hoặc dịch vụ. |