Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, việc mua sắm hàng hóa của người dân Việt Nam đã thực sự thay đổi để thích ứng với yêu cầu phòng, chống dịch. Đặc biệt, với Chỉ thị số 16/CT-TTg về cách ly xã hội của Chính phủ, việc mua sắm tiếp tục thay đổi mạnh theo hướng gián tiếp (mua sắm trực tuyến) hơn là đến các điểm bán hàng.
Một nghiên cứu mới đây của Nielsen Research Việt Nam chỉ ra rằng, hành vi tiêu dùng của người dân chịu tác động lớn của dịch Covid-19 khi họ tăng cường tích trữ các sản phẩm thiết yếu; tránh tụ tập đông người và thường xuyên mua hàng online...
Thực tế khi được hỏi về cảm giác khi mua sắm hàng hóa trực tuyến, nhiều NTD cho rằng, “thực sự dễ dàng” và khẳng định khi dịch qua đi, họ vẫn sẽ sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến.
Đại diện Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, trong các loại hình bán lẻ, kênh siêu thị và chợ bị ảnh hưởng mạnh nhất, bởi đây là “môi trường thuận lợi” cho bệnh dịch, nên mua sắm online sẽ là lựa chọn phù hợp.
Điều này được thể hiện rõ qua thống kê của các trung tâm thương mại, siêu thị. Đơn cử, hệ thống siêu thị Mediamart cho biết, doanh thu hàng điện máy giảm từ 30-40%. Trong khi đó, Aeon Việt Nam thống kê, lượng khách hàng đến mua sắm giảm 20-35% và sản phẩm tiêu thụ khá mạnh chỉ tập trung vào các sản phẩm đồ ăn nhanh - ăn liền, sản phẩm khô, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…
Các chuyên gia dự đoán, sự thay đổi thói quen mua sắm hàng hóa trong dịch Covid-19 có thể sẽ định hình lại ngành bán lẻ trong thời gian tới. Và điều này buộc các nhà bán lẻ nói chung, Việt Nam nói riêng phải “chuyển mình theo thời cuộc” bằng những phương pháp mới, nhất là mô hình bán hàng trực tuyến.
Cụ thể hơn, các chuyên gia cho rằng, trước hết ngành bán lẻ cần tăng cường các kênh small format (bán hàng nhỏ lẻ) và mô hình tạp hóa hiện đại để tận dụng số lượng cửa hàng rộng khắp, kết hợp cùng dịch vụ giao hàng, chú trọng vào các mặt hàng nhu yếu phẩm mà khách hàng có nhu cầu thực.
TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam - chỉ rõ, từng DN nên rà soát, định vị lại mình và có kế hoạch ứng phó với tình hình đại dịch, từ việc đánh giá chất lượng các bộ phận, phòng, ban để nâng cao hiệu suất công việc; chuyển đổi, tăng cường bán lẻ trực tuyến/bán lẻ đa kênh… đến thử nghiệm phương thức làm việc mới và cắt giảm chi phí,…
Cùng với đó, các nhà bán lẻ cần củng cố, thắt chặt quan hệ hợp tác, liên kết với các đối tác; chủ động giữ quan hệ chặt chẽ với nhà sản xuất - cung ứng để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá cả phù hợp. “Tích cực xây dựng hình ảnh DN có trách nhiệm thông qua các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản; tăng cường các công tác marketing trên nền tảng số…” - TS. Đinh Thị Mỹ Loan khuyến nghị.
TS. Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam: Với DN phân phối, bán lẻ, việc tồn tại và phát triển trong, sau đại dịch luôn gắn liền với sự kết nối giữa sản xuất và tiêu dùng.
Hoàng Châu