Bài liên quan |
Nhiều yếu tố khiến lợi nhuận doanh nghiệp bảo hiểm suy giảm |
Chi phí bán hàng bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp ngành bia |
Giá cao su tăng cao kéo lợi nhuận doanh nghiệp cao su khởi sắc |
Tính đến ngày 5/5/2025, đã có 944 doanh nghiệp niêm yết – đại diện cho 96,1% tổng vốn hóa toàn thị trường – công bố báo cáo tài chính quý 1/2025. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp này tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vẫn duy trì được đà tăng trưởng, đây là mức tăng thấp nhất trong 6 quý gần đây, phản ánh rõ nét xu hướng ổn định trở lại sau giai đoạn hồi phục mạnh từ đáy.
So với quý 4/2024, lợi nhuận sau thuế toàn thị trường giảm 3,1%, chủ yếu do sự sụt giảm lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp phi tài chính với mức giảm 12,2%. Trong khi đó, nhóm ngành tài chính tiếp tục đóng vai trò là “trụ đỡ” chính khi vẫn duy trì mức tăng trưởng dương 5,3%.
![]() |
Lợi nhuận doanh nghiệp quý 1/2025: Nhóm ngành nào dẫn đầu? |
Trong nhóm ngành tài chính, ngành ngân hàng tiếp tục dẫn dắt đà tăng trưởng, với lợi nhuận sau thuế tăng 15,3% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần như MBB, VPB, STB, HDB và SSB, nhờ tín dụng mở rộng và biên lãi thuần (NIM) cải thiện.
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng thương mại nhà nước (VCB, CTG, BID) chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn do tín dụng tăng chậm và NIM bị thu hẹp – cho thấy áp lực cạnh tranh và hiệu quả sử dụng vốn của nhóm này đang bị thử thách.
Dịch vụ tài chính, trong đó chủ yếu là các công ty chứng khoán, tiếp tục gặp khó khi thị trường giao dịch thiếu tích cực. Lợi nhuận nhóm này giảm 4,7%, do môi trường không thuận lợi cho hoạt động môi giới và đầu tư.
Nhóm doanh nghiệp phi tài chính ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 11,8% – thấp hơn mức trung bình toàn thị trường, nhưng cho thấy sự phân hóa rất rõ nét giữa các ngành.
Nhiều lĩnh vực tiếp tục hồi phục mạnh mẽ, tiêu biểu như: Bán lẻ, thủy sản, dệt may, chăn nuôi, điện, vật liệu xây dựng,...
Một điểm sáng bất ngờ là ngành truyền thông ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong quý 1/2025, chủ yếu đến từ VEF với mức tăng lên đến 11.202,3% – nhờ ghi nhận doanh thu chuyển nhượng bất động sản. Tuy nhiên, đây là khoản thu nhập bất thường, không phản ánh xu thế chung của toàn ngành.
Cần lưu ý rằng mức tăng trưởng khả quan của các ngành xuất khẩu như thủy sản và dệt may trong quý 1/2025 chưa phản ánh tác động từ kế hoạch áp thuế quan đối ứng của chính quyền Tổng thống Donald Trump, với mức thuế đề xuất có thể lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Diễn biến này sẽ là yếu tố rủi ro đáng quan tâm trong các quý tới.
Ngành công nghệ thông tin tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng (+21,1%), trong đó FPT tăng 20,1% và CMG tăng 45,9%. Ngược lại, ngành thép chỉ tăng nhẹ 1,7%, trong khi một số lĩnh vực lớn đang bước vào giai đoạn suy giảm lợi nhuận, bao gồm: sữa (VNM), bia (SAB), đường (QNS), hàng không (HVN) và viễn thông (VGI).
Đáng chú ý, Vietnam Airlines (HVN) ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 21,5% so với cùng kỳ do không còn khoản thu nhập đột biến từ việc xóa nợ của Pacific Airlines như năm ngoái. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh cốt lõi của HVN lại tăng mạnh tới 90,3%, cho thấy quá trình phục hồi đang diễn ra vững chắc.
Lĩnh vực bất động sản tiếp tục thể hiện sự phân hóa lớn giữa các phân khúc. Nhóm bất động sản nhà ở cao cấp và khu công nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội: Vinhomes (VHM) tăng 193,3%, Khang Điền (KDH) tăng 85,5%, Nam Long (NLG) tăng 269%, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) tăng 108,6%, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) bứt phá với mức tăng lợi nhuận lên tới 1.206,6%.
Trong khi đó, các doanh nghiệp bất động sản dân cư tầm trung như DXG và PDR ghi nhận lợi nhuận đi ngang, còn các doanh nghiệp như Novaland (NVL) và DIG tiếp tục báo lỗ – phản ánh sự chênh lệch rõ rệt về năng lực tài chính, dòng tiền và chiến lược giữa các nhóm doanh nghiệp.
Dù các ngân hàng và một số lĩnh vực tiêu dùng vẫn giữ được đà tích cực, xu hướng chung cho thấy thị trường đang dần bước vào giai đoạn sàng lọc và phân hóa sâu sắc hơn. Những rủi ro từ bên ngoài như chính sách thuế thương mại từ Hoa Kỳ, cùng áp lực lãi suất và sức cầu tiêu dùng trong nước sẽ tiếp tục là những yếu tố then chốt định hình bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp trong các quý tiếp theo.