![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị diễn ra sáng 18/5. |
Sáng nay (18/5), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Chuyên đề "Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW".
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, kinh tế tư nhân liên tục phát triển, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế; là kênh huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước; tạo việc làm, thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; thúc đẩy hội nhập quốc tế; đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước.
"Số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỉ trọng khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Chính phủ, kinh tế tư nhân là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tăng nhanh, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ; đặc biệt, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng.
Mặc dù vậy, theo Thủ tướng Chính phủ, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:
Thứ nhất, mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân đề ra tại Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 (đạt 1,5 triệu doanh nghiệp và đóng góp 55% GDP vào năm 2025) vẫn chưa đạt được.
Thứ hai, gần 98% doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ và vừa, siêu nhỏ (gần 70% quy mô siêu nhỏ), sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế, quá trình chuyển đổi số diễn ra chậm (65% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có chiến lược ứng dụng công nghệ số).
Thứ ba, tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động bình quân đjat khoảng 10 doanh nghiệp/1000 dân vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tốc độ doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay
Thứ tư, việc tiếp cận các nguồn lực còn khó khăn, nhất là về tài chính, tín dụng, đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thứ năm, kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI còn hạn chế.
Một bộ phận doanh nghiệp tư nhân chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật, thông tin chưa minh bạch, thiếu tầm nhìn chiến lược; đạo đức, văn hóa kinh doanh còn hạn chế.
Thủ tướng Chính phủ cho rằng, thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, gây cản trở phát triển kinh tế tư nhân. Thủ tục hành chính còn vướng mắc.
"Một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, thiếu tính khả thi chưa được bãi bỏ, sửa đổi kịp thời; thủ tục đầu tư, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực còn phức tạp, thiếu minh bạch; một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân khó thực hiện. Tư duy, nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức còn mang nặng tính xin - cho; còn tình trạng thiếu trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiếp tay cho tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ.
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị |
Từ thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân nước ta những năm qua và kinh nghiệm quốc tế, theo Thủ tướng Chính phủ, có thể đúc kết một số bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất và là trụ cột chiếm tỉ trọng lớn nền kinh tế quốc gia, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tạo sự khích lệ, sự tin tưởng, khơi vọng vươn lên và hành động mạnh mẽ hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển.
Thứ hai, nâng cao vai trò kiến tạo của Nhà nước, cải cách thể chế, cơ cấu, chính sách đột phá, xóa bỏ mọi rào cản để phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân.
Thứ ba, bảo đảm doanh nghiệp tư nhân được đối xử công bằng, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận, sử dụng các nguồn lực, ưu đãi, hỗ trợ ngành, đặc biệt là cần có cơ chế, chính sách, giải pháp vượt trội, đột phá để khai thông mọi nguồn lực cho nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Cuối cùng, ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, tiên phong dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân vươn ra thị trường quốc tế, xây dựng thương hiệu quốc tế.