Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 6889/VPCP-ĐMDN, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý các thông tin báo chí phản ánh liên quan đến những vướng mắc của doanh nghiệp do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo nội dung phản ánh được nêu tại Hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14/7 vừa qua, hàng trăm phản ánh từ các doanh nghiệp trên cả nước đã được tổng hợp, trải dài ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực.
Thủ tục hành chính tiếp tục là nhóm vấn đề được doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất. Các thủ tục bị đánh giá là thiếu rõ ràng, không cần thiết, chồng chéo, thiếu hướng dẫn thực hiện và trong một số trường hợp, thậm chí còn can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, dù chuyển đổi số đang là xu hướng, nhiều quy trình hành chính vẫn yêu cầu doanh nghiệp nộp tài liệu bản giấy, gây tốn kém thời gian và chi phí.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý vướng mắc pháp lý ảnh hưởng đến doanh nghiệp |
Một điểm chung nổi bật từ các ý kiến gửi tới VCCI là doanh nghiệp không chỉ cần được lắng nghe, mà còn muốn biết cụ thể các vướng mắc sẽ được xử lý như thế nào, bởi ai, trong thời gian bao lâu, đồng thời đề nghị cần có cơ chế giải trình rõ ràng và công khai.
Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các văn bản pháp luật đã được ban hành từ 10 đến 15 năm trước, nhưng dù đã nhiều lần được góp ý, phản ánh, đến nay vẫn chưa được điều chỉnh hoặc bãi bỏ.
Một thực tế khác khiến doanh nghiệp lo lắng là tốc độ sửa đổi văn bản pháp luật diễn ra nhanh, khiến một số quy định vừa được ban hành đã phải lên kế hoạch sửa đổi, bổ sung, tạo ra cảm giác thiếu ổn định trong môi trường pháp lý.
Để khắc phục tình trạng này, cộng đồng doanh nghiệp đề nghị Chính phủ xem xét thành lập các tổ công tác chuyên trách, đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và các bộ, ngành được giao xây dựng, sửa đổi văn bản pháp luật. Các tổ công tác sẽ có nhiệm vụ tiếp nhận phản ánh, tổ chức đối thoại và phối hợp nghiên cứu phương án xử lý kịp thời, hiệu quả.
Trên cơ sở những đề xuất này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài chính chủ trì, kiểm tra, xem xét và xử lý các nội dung phản ánh thuộc phạm vi thẩm quyền, đồng thời yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 01/8/2025.