Tính đến giữa tháng 7/2025, toàn tỉnh Phú Thọ mới được sáp nhập từ ba địa phương Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình đã thống kê được 1.021 cơ sở nhà, đất công dôi dư. Đây là khối tài sản lớn, nếu được quản lý hiệu quả sẽ đóng góp đáng kể cho ngân sách và phát triển hạ tầng.
Sở Tài chính đã xây dựng các phương án xử lý cụ thể. Trong đó, 116 cơ sở dự kiến điều chuyển làm trụ sở cơ quan nhà nước; 291 cơ sở sẽ chuyển đổi công năng thành trường học, trạm y tế hoặc nhà văn hóa. Riêng 228 cơ sở được giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý, khai thác. Tuy nhiên, vẫn còn 386 cơ sở chưa xác định phương án sử dụng, các địa phương đang được yêu cầu hoàn thiện đề xuất trong tháng 8.
![]() |
Trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũ đề xuất giao cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ quản lý |
Về mô hình hành chính, tỉnh quyết định duy trì ba trung tâm hành chính vùng trên địa bàn ba tỉnh cũ. Việc này vừa tận dụng hạ tầng sẵn có, vừa giảm tải cho khu trung tâm mới. Một số đơn vị như Báo, Đài Phát thanh – Truyền hình, Trường Chính trị, Trung tâm Xúc tiến đầu tư… sẽ hoạt động tại nhiều khu vực nhưng có trụ sở chính rõ ràng.
Ở cấp xã, 148 xã/phường sau sáp nhập đều đã có đủ trụ sở làm việc cho các tổ chức chính trị, hành chính và công an. Riêng hai phường Vĩnh Phúc và Vĩnh Yên đang kiến nghị điều chỉnh địa điểm trụ sở để phù hợp thực tế.
Đáng chú ý, khuôn viên trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũ – nơi hiện có nhiều cơ quan sử dụng – được đề xuất giao cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ quản lý thống nhất.