Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Bộ NN&MT) tổ chức Hội thảo tham vấn sáng 25/7 tại Hà Nội nhằm lấy ý kiến hoàn thiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp cho giai đoạn 2026–2030. Đây là bước đi quan trọng trong tiến trình phát triển nông thôn Việt Nam, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa nông thôn, nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời đảm bảo sự thích ứng linh hoạt theo điều kiện từng địa phương và xu thế phát triển mới.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam nhấn mạnh: NTM là một phạm trù rộng, liên quan tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong thời gian vừa qua, Bộ NN&MT đã chủ động nghiên cứu, tham vấn nhiều chuyên gia, bộ ngành và ý kiến từ các địa phương để xây dựng Dự thảo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên, nhiều vấn đề mang tính kỹ thuật cũng như những vấn đề từ thực tiễn đòi hỏi phải có ý kiến đóng góp sâu sắc hơn từ các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ, các chuyên gia, và đặc biệt là các bộ ngành, địa phương - những đơn vị trực tiếp quản lý, theo dõi và tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí; qua đó giúp Bộ NN&MT tiếp tục hoàn thiện Bộ tiêu chí theo hướng bao quát, khoa học, thực tiễn và khả thi hơn.
Những kết quả nổi bật trong giai đoạn 2021–2025
![]() |
Ông Ngô Trường Sơn – Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương |
Tại hội thảo, ông Ngô Trường Sơn – Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương chia sẻ những kết quả đáng ghi nhận trong quá trình triển khai Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021–2025. Theo ông Sơn, bộ tiêu chí này đã phát huy tốt vai trò là công cụ chỉ đạo then chốt, hỗ trợ các địa phương trong việc lập kế hoạch, triển khai, cũng như giám sát toàn diện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nhiều tiêu chí đạt tỷ lệ thực hiện vượt trội, đặc biệt là 7 tiêu chí gồm: Quy hoạch, Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, Điện, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Quốc phòng và An ninh – với hơn 95% số xã trên cả nước đạt chuẩn. Khu vực Đồng bằng sông Hồng được ghi nhận là vùng dẫn đầu cả nước về tỷ lệ xã và huyện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn tồn tại những thách thức. Một số tiêu chí như: thu nhập, giảm nghèo đa chiều, môi trường và an toàn thực phẩm đạt kết quả chưa đồng đều giữa các vùng. Ngoài ra, việc Bộ tiêu chí giai đoạn 2021–2025 được ban hành chậm (tháng 3/2022) đã gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai tại nhiều địa phương, đặc biệt là trong việc lồng ghép các chương trình mục tiêu khác.
Tư duy mới, cấu trúc linh hoạt và phù hợp thực tiễn giai đoạn 2026–2030
Nhằm khắc phục hạn chế và thích ứng với yêu cầu phát triển mới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất điều chỉnh, hoàn thiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cho giai đoạn 2026–2030. Theo ông Ngô Trường Sơn, bộ tiêu chí mới sẽ có nhiều điểm đổi mới đáng chú ý:
Phân chia xã thành 3 nhóm theo mức độ phát triển nhằm đảm bảo tiêu chí được áp dụng linh hoạt và phù hợp:
Nhóm 1: Xã nghèo, xã khu vực II và III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Nhóm 2: Xã có trên 70% diện tích đất là đất nông nghiệp.
Nhóm 3: Xã tiếp giáp với phường, có mật độ dân số từ 1.000 người/km² trở lên, hoặc hình thành từ việc sắp xếp với thị trấn, hoặc có cơ cấu kinh tế với nông nghiệp chiếm dưới 10%, định hướng phát triển đô thị.
Bổ sung tiêu chí xã nông thôn mới hiện đại, thay thế khái niệm “xã nông thôn mới kiểu mẫu” bằng cách để địa phương tự định nghĩa theo thế mạnh riêng.
Tăng cường phân cấp cho địa phương, giúp phát huy tính chủ động, sáng tạo trong việc triển khai chương trình.
Tích hợp hiệu quả với các chương trình mục tiêu quốc gia khác, đặc biệt là Chương trình giảm nghèo bền vững.
9 nhóm tiêu chí dự thảo mới rộng hơn, sâu hơn, hiện đại hơn
Bộ tiêu chí cấp xã giai đoạn 2026–2030 sẽ gồm 9 nhóm tiêu chí: Quy hoạch; Hạ tầng kinh tế – xã hội; Kinh tế nông thôn; Chất lượng nguồn nhân lực; Văn hóa – xã hội; Môi trường và cảnh quan; Hệ thống chính trị và hành chính công; Khoa học công nghệ và chuyển đổi số; Tiếp cận pháp luật, an ninh – quốc phòng.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh rằng việc đặt tên và phân nhóm chỉ mang tính tương đối, do đó cần tiếp tục thảo luận sâu để đảm bảo tính chính xác và khả thi.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã đóng góp những ý kiến thiết thực nhằm hoàn thiện Bộ tiêu chí.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho rằng, nội dung quan trọng, tiêu chí quan trọng số 1 là quy hoạch thì đề nghị nghiên cứu kỹ thêm. Bởi vì chúng ta vẫn nói là thay đổi cấp chính quyền địa phương, cụ thể ở đây, xã từ hơn hơn 10.000 xã còn hơn 3.000 xã. Thay đổi hẳn này đã đem theo yếu tố đầu tiên chính là quy hoạch phải như thế nào? Bây giờ tỉnh cũng khác, có 34 tỉnh. Do đó, vùng trọng điểm cũng sẽ khác, phạm vi kinh tế cũng sẽ khác. |
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hồ Xuân Hùng đề xuất bổ sung tiêu chí văn hóa: "Văn hóa có suốt trong đời sống của con người. Cái bắt tay trong Hội nghị cũng là văn hóa. Văn hóa trong sản xuất cũng vậy. Tại sao có hàng giả? Là vì thiếu văn hóa, thiếu lương tâm. Còn nếu có văn hóa, thì không để xảy ra chuyện đó. Theo tôi là nên tách ra để thành 8 nhóm tiêu chí" |
Môi trường – trụ cột không thể thiếu PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường – cho rằng: “Môi trường là một trong ba nhóm tiêu chí cơ bản để đảm bảo phát triển bền vững”. Việc xây dựng tiêu chí môi trường cần bám sát các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, bao gồm Chiến lược và Kế hoạch quốc gia về môi trường đến năm 2030, tầm nhìn 2050, cùng các văn bản luật pháp liên quan. Ông đề xuất rà soát, điều chỉnh hệ thống tiêu chí môi trường cho cả cấp xã và cấp tỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn và tiệm cận các cam kết quốc tế. |
Quy hoạch và hạ tầng – định hình không gian sống chất lượng TS.KTS. Phạm Thị Nhâm – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) – cho rằng: “Tiêu chí quy hoạch và cơ sở hạ tầng cần đóng vai trò là trụ cột cứng để định hình không gian sống chất lượng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực cộng đồng và thích ứng với các xu thế như đô thị hóa, chuyển đổi số, biến đổi khí hậu”. Bà cũng kiến nghị nên có sự phân tầng rõ ràng giữa các cấp độ: xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, và nông thôn mới hiện đại. Việc phân định rõ vai trò giữa cấp xã và cấp tỉnh không chỉ giúp nâng cao tính thực tiễn mà còn tạo nền tảng cho phát triển bao trùm. |
Gắn kết chính sách và thực tiễn địa phương Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh rằng bối cảnh tái cơ cấu các bộ, chính quyền địa phương thay đổi đáng kể so với trước đây, đòi hỏi Bộ tiêu chí cũng phải được rà soát, đánh giá lại một cách toàn diện. “Việc phân nhóm xã theo điều kiện thực tế là yêu cầu bắt buộc. Chúng ta không thể áp dụng một bộ tiêu chí cứng nhắc cho mọi địa phương. Cần linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo định hướng phát triển lâu dài,” ông Nam nói và kêu gọi các địa phương tiếp tục góp ý để Bộ có thể sớm hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền thông qua theo đúng quy định. |
Hội thảo lần này không chỉ là dịp để rà soát, điều chỉnh các tiêu chí kỹ thuật mà còn mở ra hướng tiếp cận mới: đề cao giá trị cộng đồng, hạnh phúc, và công nghệ.
Nhiều đại biểu gợi ý cần bổ sung các tiêu chí mới như “làng thông minh”, chỉ số hạnh phúc”, phản ánh sự phát triển đa chiều và nhân văn của đời sống nông thôn hiện đại. Đây sẽ là những yếu tố góp phần tạo nên bộ tiêu chí không chỉ hiện đại về nội dung mà còn tiến bộ trong cách tiếp cận.