Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 3, khu vực đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An ghi nhận mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 70 - 150mm, một số nơi có thể vượt ngưỡng 200mm. Hồi 13 giờ ngày 22/7, tâm bão nằm trên đất liền các tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa, với sức gió mạnh nhất cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 10, di chuyển hướng Tây với tốc độ 10 - 15km/h.
Dự báo từ ngày 22 đến 23/7, khu vực phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Mưa lớn kéo dài có nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng nghiêm trọng tại các khu vực trũng thấp.
![]() |
Bộ Công Thương hỏa tốc chỉ đạo toàn ngành ứng phó khẩn cấp với bão số 3 |
Trước tình hình mưa bão phức tạp, Bộ Công Thương yêu cầu toàn ngành quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện 117/CĐ-TTg ngày 20/7/2025, tập trung cao độ, hành động quyết liệt theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Công điện nhấn mạnh:
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố (đặc biệt từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh)
Phối hợp với các doanh nghiệp triển khai phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu tại chỗ, đảm bảo nguồn cung liên tục, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ bị cô lập. Trường hợp vượt quá khả năng địa phương, kịp thời đề xuất Bộ Công Thương phối hợp điều chuyển hàng hóa từ nguồn hàng dự trữ quốc gia.
Kiểm tra việc tuân thủ quy trình vận hành các hồ, đập thủy điện; bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị sẵn sàng ứng cứu sự cố; chủ động thông báo cho người dân vùng hạ du trước khi xả lũ.
Chủ trì phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng thiên tai để găm hàng, đầu cơ, nâng giá các mặt hàng thiết yếu như tôn lợp, vật liệu xây dựng, thực phẩm, nước uống.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Công ty Vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO)
Lập phương án vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia, đặc biệt tại các khu vực tâm bão ảnh hưởng.
Đảm bảo nguồn cung điện liên tục, ổn định phục vụ công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn và đời sống người dân.
Tổ chức trực ca, tái lập chế độ vận hành tại chỗ tại các trạm biến áp không người trực khi cần thiết.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)
Tăng cường kiểm tra an toàn các mỏ khai thác than, khoáng sản, bãi thải, hồ chứa tại các địa bàn có nguy cơ cao sạt lở, đặc biệt ở Quảng Ninh.
Chủ động xây dựng phương án sơ tán nhân lực, bảo vệ công trình và khu dân cư lân cận.
Các tập đoàn, tổng công ty trong ngành Công Thương
Khẩn trương rà soát, củng cố các công trình xây dựng đang thi công tại các vùng nguy cơ cao.
Huy động vật tư, nhân lực, phương tiện sẵn sàng ứng phó, nhất là tại những điểm xung yếu, trọng điểm về hạ tầng điện, công nghiệp, kho tàng, tuyến vận chuyển hàng hóa.
Các đơn vị khai thác khoáng sản
Kiểm tra kỹ các khu mỏ, bãi thải, hồ chứa bùn thải để phát hiện nguy cơ mất an toàn; củng cố hệ thống thoát nước, bơm dự phòng, nguồn điện nhằm ứng phó kịp thời với mưa lớn kéo dài.
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp
Giám sát chặt diễn biến bão và kết quả ứng phó của các đơn vị ngành Công Thương; tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ, đồng thời chỉ đạo điều hành các tình huống vượt thẩm quyền của địa phương và doanh nghiệp.
Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị duy trì chế độ trực ban 24/24h, cập nhật thường xuyên tình hình bão số 3, hoàn lưu sau bão, tổ chức báo cáo định kỳ trước 15h hàng ngày về Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn của Bộ.