Bài liên quan |
Ứng phó bão số 3: Đảm bảo dự trữ hàng hóa, an toàn hồ đập và cung cấp điện |
Ứng phó bão số 3: Hà Nội ban hành công điện khẩn |
Công văn yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường bám sát diễn biến tình hình thời tiết và thị trường, triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng… trong và sau thời điểm bão đổ bộ.
Đây là biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ổn định thị trường, tránh tình trạng khan hiếm giả tạo hay đẩy giá bất hợp lý gây ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
![]() |
Kiên quyết xử lý hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Ảnh minh họa |
Cùng với việc kiểm soát thị trường, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đề nghị các địa phương khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu như: Gạo, thực phẩm chế biến, nước sạch, xăng dầu, vật liệu xây dựng... phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Kế hoạch cần xác định rõ danh mục hàng hóa, số lượng, phương thức bảo quản, vận chuyển và phân phối nhằm đảm bảo sẵn sàng cung ứng kịp thời khi có thiên tai xảy ra, đặc biệt trong trường hợp mưa bão gây chia cắt các khu vực.
Các sở, ngành được đề nghị phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp và chính quyền cấp cơ sở để xây dựng và vận hành mạng lưới cung ứng hàng hóa, bảo đảm thông suốt từ khâu sản xuất đến phân phối, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Riêng tại TP. Hà Nội, Sở Công Thương đã ban hành phương án dự trữ hàng hóa ứng phó thiên tai trong năm 2025, với quy mô phục vụ khoảng 250.000 người trong 7 ngày. Danh mục hàng hóa cứu trợ bao gồm: đồ khô ăn liền (mỳ, cháo, lương khô…), nước sạch, nến thắp sáng, thực phẩm chế biến từ thịt và cá, sữa hộp giấy, gạo, rau củ quả, cùng các vật dụng thiết yếu như áo mưa, ủng cao su, đèn pin, bạt che mưa, chất đốt, vật liệu xây dựng…
Dự kiến, tổng lượng hàng hóa dự trữ bao gồm: 5.250.000 gói đồ khô ăn liền, 3.500.000 lít nước sạch đóng chai/bình, 1.750.000 hộp thực phẩm chế biến, 1.750.000 hộp sữa, 105.000 kg gạo ăn.
Tổng kinh phí thực hiện khoảng hơn 122 tỷ đồng, được huy động từ các doanh nghiệp trên địa bàn theo phương châm "hậu cần tại chỗ", bảo đảm sẵn sàng ứng cứu khẩn cấp khi có sự cố vượt quá khả năng tự dự trữ của các quận, huyện.
Song song với phương án dự trữ, TP. Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường với 13 nhóm hàng thiết yếu từ nay đến hết tháng 5/2026, bao gồm: lương thực, thịt lợn, gia cầm, thủy hải sản, dầu ăn, rau củ quả, trứng, sữa trẻ em, đường, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... Việc này giúp duy trì nguồn hàng ổn định, tránh tình trạng tăng giá đột biến trong bối cảnh thời tiết cực đoan.
Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nhấn mạnh, các hành vi lợi dụng thiên tai để đầu cơ, tích trữ, đẩy giá, gây bất ổn thị trường và ảnh hưởng đến quyền lợi người dân sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở và kiểm tra đột xuất để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm.
Bên cạnh nỗ lực từ cơ quan chức năng, Cục cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp và người dân chung tay, phát huy tinh thần tương thân tương ái, không thu lợi bất chính từ thiên tai, góp phần ổn định thị trường và bảo đảm an sinh xã hội trong mùa mưa bão.