Bài liên quan |
Ngành hàng không: Nỗ lực phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024 |
Ngành hàng không đón hơn 10 triệu khách qua cảng trong tháng 5 |
Ngày 23/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2025, nhằm xem xét, cho ý kiến đối với 8 nội dung pháp luật quan trọng, trong đó có 7 dự án luật và đề xuất của Chính phủ về Chương trình lập pháp năm 2026.
Một trong những nội dung trọng tâm được đặc biệt quan tâm tại phiên họp là Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế). Đây được kỳ vọng là nền tảng pháp lý mới để tháo gỡ các điểm nghẽn hiện hành, đồng thời kiến tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển toàn diện và hiện đại hóa ngành hàng không trong bối cảnh mới.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo huy động nguồn lực tư nhân, đẩy mạnh hợp tác công tư để phát triển ngành hàng không |
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Dự án Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế) không chỉ đơn thuần là đạo luật quản lý, mà phải là luật phục vụ phát triển, kiến tạo môi trường thuận lợi để thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân vào phát triển hệ sinh thái hàng không.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu luật phải tạo điều kiện để mở rộng hợp tác công – tư (PPP) trong đầu tư và vận hành các hãng hàng không, sân bay, logistics hàng không, khu đô thị sân bay, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường kết nối vùng, quốc gia và quốc tế.
Ngoài ra, Luật cần phân cấp, phân quyền rõ ràng, tháo gỡ những quy định chồng chéo, bất cập, từ đó đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân.
Tại phiên họp, Thủ tướng cũng đưa ra những định hướng cụ thể đối với việc xây dựng và hoàn thiện các dự án luật, yêu cầu thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm về việc “chuyển thể chế từ điểm nghẽn thành động lực phát triển”.
Theo đó, các dự án luật cần đảm bảo tiêu chí “5 sao” đối với các nội dung sửa đổi – tức phải làm rõ: Vì sao lược bỏ, vì sao hoàn thiện, vì sao bổ sung, vì sao cắt thủ tục, vì sao phân cấp – phân quyền. Đồng thời, với các dự án luật mới, cần đảm bảo “6 rõ” gồm: Rõ về phân cấp – phân quyền, rõ quan điểm – nguyên tắc, rõ cắt giảm thủ tục và chi phí tuân thủ, rõ thể chế hóa quan điểm Đảng, rõ hiệu quả – tác động, rõ chính kiến khi có ý kiến khác nhau.
Các quy định trong luật cần được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát và kiểm tra, hướng đến tính khả thi và hiệu quả thực thi cao trong thực tiễn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phát huy tinh thần cầu thị, lắng nghe ý kiến các bên liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp, chuyên gia và người dân để tạo đồng thuận trong quá trình xây dựng pháp luật. Việc phối hợp với Quốc hội, cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải được triển khai ngay từ giai đoạn khởi thảo chính sách, không chờ đến khi đã hình thành hồ sơ.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng tiến độ, chất lượng; các Phó Thủ tướng được phân công trực tiếp chỉ đạo; Văn phòng Chính phủ chịu trách nhiệm phối hợp tiếp thu, chỉnh lý và sớm trình Chính phủ ban hành Nghị quyết của Phiên họp.