TS. Đặng Xuân Thành: Việt Nam trước nguy cơ mắc kẹt bẫy thu nhập trung bình TS. Đặng Quang Vinh: Phổ điểm môn Toán năm 2025 tiến gần hơn tới phân phối chuẩn, có tính phân hóa cao |
Đẩy nhanh lộ trình xây dựng và phát triển thị trường carbon quốc gia, được xem là một trong những giải pháp then chốt để hiện thực hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tại Hội nghị COP26. Thông tin này được TS. Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - chia sẻ tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025, với chủ đề "Thị trường carbon trong kỷ nguyên mới".
![]() |
TS. Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường |
Theo TS. Nguyễn Tuấn Quang, ngay sau COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Đề án thực hiện cam kết Net Zero 2050, tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính như sau:
Thứ nhất là chuyển đổi năng lượng. Đây là giải pháp cốt lõi, đòi hỏi Việt Nam phải từng bước giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Tuy nhiên, thách thức lớn là tính không ổn định của năng lượng tái tạo.
Thứ hai là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đi kèm với thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các mô hình như sản xuất lúa ít phát thải là ví dụ điển hình cho định hướng này.
Thứ ba là phát triển rừng và các hệ sinh thái nhằm hấp thụ carbon, đặc biệt là các hệ sinh thái biển và ven biển. Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng rừng ngập mặn có tiềm năng hấp thụ khí nhà kính cao gấp 3 đến 5 lần so với rừng trên cạn, một lợi thế lớn mà Việt Nam cần tận dụng.
Thứ tư là thu hồi và lưu trữ carbon. Đây là giải pháp có tiềm năng dài hạn, dù chi phí còn rất cao. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, chi phí sẽ giảm và giải pháp này hoàn toàn khả thi trong tương lai, đặc biệt là việc tận dụng các mỏ than, mỏ dầu khí đã khai thác hết để lưu trữ carbon.
Và cuối cùng, định giá carbon và phát triển thị trường carbon – cũng là chủ đề chính của diễn đàn. Hiện nay, 80 quốc gia trên thế giới đã áp dụng cơ chế định giá carbon, chủ yếu dưới hai hình thức: thuế carbon và thị trường carbon.
Theo thống kê quốc tế, chỉ riêng giải pháp định giá carbon đã giúp kiểm soát khoảng 28% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu – tương đương khoảng 12 đến 14 tỷ tấn CO₂ mỗi năm. Quy mô giao dịch carbon toàn cầu đạt tới 152 tỷ USD, cho thấy đây là một giải pháp thực sự hiệu quả và cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện cam kết Net Zero.
Các ví dụ điển hình như Hệ thống thị trường carbon châu Âu (EU ETS) đã giúp giảm khoảng 37% lượng phát thải toàn khu vực từ năm 2005, hay việc Singapore đánh thuế carbon hiệu quả, và Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác đang tích cực phát triển thị trường tương tự.
TS. Nguyễn Tuấn Quang cũng đặc biệt lưu ý hai vấn đề quan trọng khi phát triển thị trường carbon. Một là, mỗi loại tín chỉ carbon phải được tạo ra theo tiêu chuẩn và phương pháp tính toán cụ thể, minh bạch.
Hai là, việc giao dịch các tín chỉ carbon bắt buộc phải có sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Nếu không điều tiết tốt, cam kết quốc gia về giảm phát thải sẽ không đạt được nếu tín chỉ bị bán ra nước ngoài không kiểm soát, đồng thời thị trường trong nước sẽ thiếu hụt nguồn cung tín chỉ cho các ngành đang cần thực hiện nghĩa vụ phát thải.
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu dẫn chứng, từ năm 2026, các hãng hàng không của Việt Nam sẽ phải thực hiện nghĩa vụ cắt giảm phát thải, và lượng tín chỉ carbon cần đã lên tới khoảng 2,3 triệu tín chỉ. Nếu không dành phần tín chỉ để bù trừ cho doanh nghiệp trong nước, họ sẽ buộc phải mua từ nước ngoài với giá cao hơn.
Ngoài ra, các cơ chế như CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) của châu Âu sẽ áp hàng rào kỹ thuật liên quan đến phát thải carbon đối với các mặt hàng xuất khẩu như sắt thép, xi măng từ năm 2026. Điều này cho thấy, sự điều tiết và quản lý chặt chẽ tín chỉ carbon là sống còn đối với cả kinh tế và khả năng thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam.
Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025 là cơ hội quý giá để các bên cùng chia sẻ, cập nhật thông tin và nâng cao nhận thức về quá trình xây dựng thị trường carbon, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và chuyển đổi xanh bền vững.