Tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ sớm triển khai cao tốc Pleiku - Quy Nhơn
Bộ Tài chính đề xuất hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025: Hà Nội cần đạt 8,5%
Các khu vực kinh tế chủ yếu duy trì đà tăng trưởng khá
Sáng 22/7/2025, HĐND tỉnh Gia Lai khoá XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 khai mạc kỳ họp thứ 2 - kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 để xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Rah Lan Chung - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai - cho biết, kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 HĐND tỉnh là kỳ họp thường lệ đầu tiên kể từ sau khi sáp nhập, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp chính thức đi vào vận hành.
Theo đó, Chủ tịch HĐND tỉnh Rah Lan Chung đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy trí tuệ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, tham gia ý kiến có chất lượng, bảo đảm các nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này được thực thi hiệu quả, tránh tình trạng vừa ban hành đã sửa đổi, bổ sung, nhất là những nội dung về chế độ, chính sách.
![]() |
Chủ tịch HĐND tỉnh Rah Lan Chung phát biểu khai mạc |
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Gia Lai - cho biết, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh Gia Lai (mới) tăng 7,5% (trong đó khu vực Bình Định tăng 7,92% và khu vực Gia Lai tăng 6,9%).
Các khu vực kinh tế chủ yếu đều duy trì đà tăng trưởng khá, trong đó: nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,4%, công nghiệp - xây dựng tăng 10,5%, dịch vụ tăng 7,6% và thuế sản phẩm tăng 3,1%.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản lý Nhà nước được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của nhân dân trong tỉnh cơ bản ổn định, có mặt được cải thiện.
Trên cơ sở kết quả đạt được 6 tháng đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm và cả năm 2025, quyết tâm năm 2025, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) của tỉnh không thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch được Trung ương giao.
Đối với cấp xã, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo hoàn thành việc phân giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu và nhiệm vụ trọng tâm đối với 58 xã phường thuộc khu vực Bình Định; tiếp tục chỉ đạo hoàn thành việc phân giao chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu và nhiệm vụ trọng tâm đối với 77 xã, phường thuộc khu vực Gia Lai.
Nhanh chóng chuyển sang nền hành chính kiến tạo, phục vụ
Về nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2025, ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - đề nghị: HĐND, UBND tỉnh cần tập trung triển khai nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ; đẩy mạnh triển khai các giải pháp thực hiện Kết luận 123-KL/TW của Trung ương, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP không thấp hơn bình quân cả nước.
Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2025 - 2030, tầm nhìn đến 2050; khẩn trương tiến hành phân giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội cụ thể cho 77 xã, phường trên địa bàn Gia Lai (cũ) và cho các sở, ban, ngành của tỉnh trên nguyên tắc đảm bảo 6 rõ “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền”.
![]() |
Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai - yêu cầu đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP của địa phương không thấp hơn bình quân cả nước |
Ông Dũng cũng yêu cầu khẩn trương phối hợp rà soát toàn bộ các nghị quyết, cơ chế, chính sách đã được HĐND tỉnh Gia Lai và Bình Định trước đây ban hành để đánh giá tính pháp lý, hiệu lực và khả thi trong bối cảnh tổ chức bộ máy và không gian hành chính mới; kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các nghị quyết thay thế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không để xảy ra tình trạng chồng chéo, một tỉnh hai chính sách hoặc khoảng trống pháp lý, gây gián đoạn, bất cập trong triển khai nhiệm vụ…
Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho cấp xã, phường đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý. Đề nghị UBND tỉnh khẩn trương rà soát, xây dựng phương án xử lý tài sản công, cơ sở vật chất sau sắp xếp, ưu tiên chuyển đổi công năng phục vụ các lĩnh vực thiết yếu (y tế, giáo dục, phục vụ cộng đồng…).
Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc thành lập Ban quản lý dự án cấp xã tại các địa phương đủ điều kiện, từng bước trao quyền chủ động trong đầu tư, quản lý, giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất tạo nguồn lực cho địa phương phát triển. Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm gắn với đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn. |
Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý đồng bộ giữa các cấp, ngành, địa phương, tạo nền tảng quản trị hiện đại, chuyển đổi quyết liệt, căn bản từ nền hành chính quản lý sang kiến tạo, phục vụ, đáp ứng tốt các yêu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Hồ Quốc Dũng cũng đề nghị HĐND tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện chính sách, nhất là giám sát việc triển khai các dự án đầu tư công, tiến độ giải ngân, hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; chú trọng giám sát công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường; thường xuyên giám sát việc củng cố cơ sở vật chất và hoạt động của bộ máy chính quyền các xã, phường, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong mô hình chính quyền 2 cấp.