Bài liên quan |
Thanh Hóa: Ban hành kịch bản tăng trưởng kinh tế 2 con số trong năm 2025 – Mục tiêu lớn “trong tầm tay” |
VN-Index dự báo kịch bản tăng trưởng 2025, ra khuyến nghị cho nhà đầu tư |
![]() |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng |
Kịch bản thứ nhất, đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 8%. Trong đó, GDP quý III cần tăng 8,3% so với cùng kỳ (tương đương với kịch bản tại Nghị quyết 154/NQ-CP), còn quý IV tăng 8,5% (cao hơn 0,1% so với kịch bản gốc). Với tốc độ này, quy mô GDP ước đạt trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.
Các động lực tăng trưởng chính trong 6 tháng cuối năm 2025 bao gồm: Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội khoảng 108 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 12% trở lên (tính theo giá hiện hành); tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả năm tăng trên 16%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân giữ ở mức 4,5–5%.
Kịch bản thứ hai lạc quan hơn dự kiến tăng trưởng GDP đạt 8,3–8,5%. Để đạt được mục tiêu này, quý III cần tăng trưởng 8,9–9,2%, và quý IV đạt 9,1–9,5%, đều cao hơn kịch bản cơ sở từ 0,6 đến 1,1 điểm phần trăm. Nếu thực hiện thành công, GDP năm 2025 có thể vượt 510 tỷ USD, với GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.
Với kịch bản này, các chỉ tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm được nâng lên, bao gồm: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 111 tỷ USD; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 13% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trên 17%; CPI bình quân vẫn giữ ổn định ở mức 4,5–5%.
Theo Bộ Tài chính, bên cạnh việc tận dụng cơ hội thị trường để thúc đẩy tiêu dùng và xuất khẩu, đầu tư vẫn là động lực chủ yếu, với nhiều dư địa và tiềm năng chưa được khai thác hết. Đây được xem là yếu tố quyết định giúp kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2025, đồng thời tạo nền tảng vững chắc để bước sang năm 2026 với kỳ vọng tăng trưởng đạt 10% trở lên.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, đi kèm với hai kịch bản tăng trưởng chung, Bộ Tài chính cũng đã xây dựng kịch bản tăng trưởng riêng cho các địa phương, tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, các địa phương giữ vai trò đầu tàu cần nỗ lực vượt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 25/NQ-CP.
Cụ thể: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều cần đạt mức tăng trưởng 8,5% (cao hơn mục tiêu trước lần lượt là 0,5% và 0,4%); Quảng Ninh cần đạt 12,5% (cao hơn 1%); Thái Nguyên cần tăng trưởng 8% (cao hơn 0,5%).
Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước cũng cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.
Đánh giá tình hình và tiềm năng phát triển hiện nay, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo kịch bản tăng trưởng thứ hai, với mục tiêu đạt GDP 8,3–8,5% trong năm 2025, tạo đà cho một giai đoạn phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.
“Hiệu quả thực hiện các chính sách và giải pháp, nhất là trong việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, sẽ là yếu tố quyết định để hiện thực hóa các kịch bản tăng trưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh tại hội nghị.