Theo báo cáo mới nhất của VNDirect, trong ngắn hạn, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục giao dịch trong biên độ 1.200 – 1.280 điểm khi thị trường chờ đợi kết quả cụ thể từ các vòng đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ, khởi động từ ngày 7/5. Đặc biệt, nếu kết quả đàm phán giúp đưa mức thuế đối ứng của Mỹ về dưới ngưỡng 20%, hoặc nếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ động hạ lãi suất điều hành, thị trường có thể có động lực để vượt qua vùng kháng cự mạnh 1.270 – 1.280 điểm.
Trong báo cáo, VNDirect đã xây dựng ba kịch bản chính cho VN-Index đến cuối năm 2025, dựa trên nhiều yếu tố bao gồm mức thuế đối ứng từ Mỹ, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và NHNN, cùng khả năng Việt Nam được nâng hạng trên bảng xếp hạng thị trường của FTSE.
![]() |
VN-Index dự báo thị trường chứng khoán 2025, ra khuyến nghị cho nhà đầu tư |
Kịch bản tích cực nhất được dựa trên giả định Mỹ giữ mức thuế đối ứng dưới 20%, Fed thực hiện 4 - 5 đợt giảm lãi suất (mỗi đợt 25 điểm cơ bản) và NHNN tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ với mức giảm 50 điểm cơ bản. Đồng thời, nếu Việt Nam được FTSE công nhận nâng hạng trong kỳ họp tháng 9, tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) toàn thị trường dự kiến đạt 16 - 17%, cùng mức định giá P/E mục tiêu là 13 lần. Trong trường hợp này, VN-Index có thể tăng trưởng khoảng 20% so với hiện tại, đóng cửa năm 2025 ở mốc 1.520 điểm.
Kịch bản trung tính giả định mức thuế đối ứng ở khoảng 20 - 30%, Fed chỉ giảm lãi suất từ 2 - 3 lần, và NHNN chỉ hạ lãi suất thêm 25 điểm cơ bản. Nếu Việt Nam vẫn được nâng hạng như kỳ vọng, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường. Trong khi đó, EPS tăng trưởng ở mức 14%, P/E mục tiêu ở mức 12,2 lần. Với kịch bản này, VN-Index được dự báo đạt khoảng 1.400 điểm vào cuối năm 2025, tương ứng mức tăng khoảng 10%.
Kịch bản tiêu cực đặt ra tình huống mức thuế đối ứng tăng mạnh lên 30 - 46%, Fed chỉ giảm lãi suất một lần hoặc không giảm, và NHNN không có thêm động thái nới lỏng. Trong bối cảnh này, nếu Việt Nam không được nâng hạng và EPS chỉ đạt mức tăng trưởng 12%, P/E mục tiêu thấp ở mức 11 lần, thị trường có thể giảm điểm. VN-Index khi đó có thể chỉ đạt khoảng 1.230 điểm – thấp hơn khoảng 3% so với hiện tại.
Từ góc độ định giá, VNDirect cho biết tính đến quý I/2025, đã có 961 công ty niêm yết trên ba sàn (chiếm 95,6% tổng vốn hóa thị trường) công bố kết quả kinh doanh. Lợi nhuận ròng toàn thị trường tăng 22,6% so với cùng kỳ, cho thấy dấu hiệu phục hồi của môi trường kinh doanh trong nước cũng như sự khởi sắc của nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Chỉ số P/E trailing của toàn thị trường hiện ở mức 12,9 lần, đang được chiết khấu tới 22% so với mức trung bình 10 năm. Dựa trên giả định tăng trưởng EPS dao động từ 12% đến 17% trong năm 2025, VNDirect ước tính P/E dự phóng của VN-Index năm 2025 chỉ còn khoảng 10,5 – 11 lần – nằm trong vùng định giá thấp nhất trong lịch sử thị trường. Điều này cho thấy dư địa tăng giá của thị trường vẫn còn đáng kể nếu có thêm các yếu tố kích hoạt như đàm phán thương mại thành công hoặc được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE.
Chỉ số P/B của VN-Index cũng đang ở mức hấp dẫn – khoảng 1,6 lần, thấp hơn 21,5% so với mức trung bình 5 năm, cho thấy thị trường vẫn đang giao dịch dưới giá trị thực.
Với bức tranh hiện tại, VNDirect khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý, hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, nếu thị trường có điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh từ 1.200 – 1.220 điểm, đây có thể là thời điểm phù hợp để xem xét giải ngân mới hoặc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, đón đầu khả năng phục hồi trong các kịch bản tích cực.