![]() |
Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang |
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang vừa có văn bản kiến nghị gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư năm 2020 nhằm bãi bỏ thủ tục chấp thuận hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước, trong bối cảnh kinh tế tư nhân được xác lập là “một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia" (Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân ban hành ngày 4/5/2025). Đây không chỉ là mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp Tuyên Quang mà còn là tiếng nói chung của doanh nghiệp cả nước, nhằm góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng thuận lợi, minh bạch và vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Thủ tục không còn phù hợp trong bối cảnh mới
Theo lãnh đạo Hiệp hội, hệ thống pháp luật hiện nay đã có đủ các quy định chuyên ngành nghiêm ngặt, bao gồm Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, cùng nhiều văn bản liên quan đến phòng cháy chữa cháy và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Những quy định này đảm bảo tính chặt chẽ, đầy đủ và hiệu quả trong quản lý hoạt động đầu tư.
Khi nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất hoặc trúng đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, họ hoàn toàn có quyền triển khai dự án mà không cần thêm một bước “xin chấp thuận chủ trương đầu tư”. Theo Hiệp hội, việc duy trì thủ tục này chỉ làm gia tăng chi phí hành chính, kéo dài thời gian chuẩn bị đầu tư từ 2 đến 5 năm, đồng thời gây ra sự trùng lặp trong công tác thẩm định.
![]() |
![]() |
Văn bản kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang |
Cản trở quyền tự do kinh doanh và gia tăng chi phí xã hội
Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã khẳng định quyền tự do kinh doanh của công dân đối với các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư lại trở thành rào cản vô hình, gây khó khăn cho các cá nhân, doanh nghiệp khi muốn khai thác hợp pháp tài sản của mình để kinh doanh.
Ước tính, nếu thủ tục này được bãi bỏ, thời gian xử lý các hồ sơ đầu tư có thể giảm từ 30% đến 50%, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Điều này đồng nghĩa với việc dự án có thể sớm đi vào hoạt động, tạo thêm việc làm, đóng góp ngân sách và thúc đẩy kinh tế địa phương.
Đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang hoàn toàn phù hợp với tinh thần cải cách mạnh mẽ mà Đảng và Nhà nước đang theo đuổi. Nghị quyết 66-NQ/TW năm 2025 đã nhấn mạnh quan điểm từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và hướng tới xây dựng pháp luật theo tiêu chí ổn định, đơn giản, dễ thực hiện.
Cùng với đó, Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 xác định rõ yêu cầu “xóa bỏ các rào cản”, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng cho kinh tế tư nhân – khu vực được coi là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc gia.