Biến động trái chiều giá căn hộ ở Hà Nội trong quý 1/2025 Hà Nội triển khai chính sách bán căn hộ nhà ở xã hội sau 5 năm cho thuê |
Sau nhiều quý trầm lắng, thị trường biệt thự và nhà liền kề Hà Nội đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong quý 1/2025. Dù tổng lượng giao dịch giảm theo quý, mức tăng trưởng theo năm lại cho thấy tâm lý người mua đang dần cải thiện. Song, phục hồi lần này không ồ ạt mà mang tính “chọn lọc” cao, cả về vị trí, phân khúc giá và sản phẩm – đòi hỏi nhà đầu tư cần nhìn xa, trông rộng và có chiến lược rõ ràng.
Theo báo cáo mới nhất từ Savills, trong ba tháng đầu năm, thị trường ghi nhận 1.629 căn được giao dịch – giảm gần một nửa so với quý trước nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ 2024. Sự bứt phá này chủ yếu đến từ các dự án của Vinhomes như Vinhomes Global Gate và Vinhomes Wonder City, cho thấy các “đại dự án” với quy hoạch bài bản, vị trí chiến lược vẫn dẫn dắt thị trường.
![]() |
Vì sao biệt thự Hà Nội đang hút tiền nhà đầu tư dài hạn? (Ảnh: Phan Chính) |
Cơ cấu giao dịch tiếp tục ghi nhận sự dịch chuyển ra các khu vực vùng ven. Đông Anh và Đan Phượng chiếm hơn 95% lượng giao dịch sơ cấp, khẳng định xu hướng giãn dân và sự hấp dẫn của hạ tầng giao thông đang phát triển. Trong khi đó, các khu vực cũ như Hà Đông hay Thường Tín đóng vai trò thứ yếu với tỷ trọng rất nhỏ.
Giá sơ cấp các sản phẩm thấp tầng có sự điều chỉnh nhẹ theo quý, chủ yếu do nguồn cung mới từ vùng ven có giá mềm hơn. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái, giá biệt thự đã tăng gấp đôi, liền kề tăng 24%, và nhà phố thương mại giữ mức ổn định.
Theo khảo sát của PV Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập, giá biệt thự trung bình đạt 282 triệu VNĐ/m² đất; liền kề ở mức 239 triệu VNĐ/m² và nhà phố thương mại là 278 triệu VNĐ/m². Tuy nhiên, trên thị trường thứ cấp – nơi phản ánh rõ hơn về kỳ vọng giữ tài sản – giá lại tăng đều: biệt thự tăng 10%, liền kề tăng 15% và nhà phố tăng 9%.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao của Savills Hà Nội, sự phục hồi hiện tại không phải là cơn sốt lan tỏa mà là quá trình phục hồi chọn lọc, tập trung vào các sản phẩm có vị trí chiến lược, chủ đầu tư uy tín, mức giá hợp lý và tiềm năng sinh lời rõ ràng.
Thị trường cũng đang chứng kiến sự tái cấu trúc rõ nét về mặt bằng giá. Trong quý 1/2025, nhóm sản phẩm trên 30 tỷ đồng chiếm 36% giao dịch, trong khi nhóm dưới 20 tỷ đã gần như biến mất khỏi thị trường Hà Nội. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ phải chuyển hướng sang các tỉnh vệ tinh như Hưng Yên, Bắc Ninh hay Hòa Lạc – nơi vẫn còn quỹ đất đẹp và mức giá dễ tiếp cận hơn (10–20 tỷ đồng).
Nếu như trước đây, đầu tư bất động sản thấp tầng là kênh an toàn cho dòng tiền, thì nay, “cuộc chơi” đã thay đổi. Giá cao, lợi nhuận ngắn hạn bị siết chặt, nhà đầu tư không chỉ cần vốn mà còn cần “tầm nhìn” – như bà Hằng nhận định – đặc biệt phải tính toán kỹ đến giá trị thực, tiềm năng tăng giá và khả năng thanh khoản dài hạn.
Sự gia tăng giá trị ổn định trong 5 năm qua (29%/năm với biệt thự và 22%/năm với liền kề) vẫn là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nhà đầu tư hiện đại phải tỉnh táo trước sự dịch chuyển xu hướng từ “lướt sóng” sang “giữ giá trị tài sản”, đặc biệt trong bối cảnh thị trường vàng và chứng khoán nhiều biến động.
Trong năm 2025, Hà Nội dự kiến đón thêm hơn 2.200 căn từ các dự án mới, với tâm điểm là Sunshine Grand Capital và Sunshine Royal Capital. Tuy nhiên, từ năm 2026 trở đi, nguồn cung được dự báo tăng mạnh với gần 20.000 căn mới – tạo sức ép lên giá nếu cầu không theo kịp.
Với bối cảnh này, thị trường biệt thự, nhà liền kề vẫn duy trì sức hấp dẫn nhất định, đặc biệt với các sản phẩm có tổng thành vừa phải, pháp lý rõ ràng và tiềm năng hạ tầng tốt. Tuy nhiên, đây không còn là “cuộc chơi đại trà”. Chỉ những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, phân tích kỹ lưỡng và chiến lược linh hoạt mới có thể tận dụng được sóng phục hồi hiện tại.