Việt Nam - Nơi hội tụ của dòng vốn FDI và phát triển bất động sản Tín dụng bất động sản 2025: Đầu tư ngay hay đừng vội ? |
Những thay đổi lớn trong cấu trúc hành chính đang mở ra cơ hội chưa từng có cho vùng Thủ đô – nơi bao gồm Hà Nội và 9 tỉnh, thành lân cận như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hòa Bình... Theo định hướng của Chính phủ, việc sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ không chỉ tinh gọn bộ máy mà còn tạo dư địa để quy hoạch lại đô thị một cách bài bản hơn.
![]() |
TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam |
TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam – nhấn mạnh: "Đây là thời điểm vàng để các đô thị vệ tinh quanh Hà Nội vươn lên thành các trung tâm phát triển độc lập nhưng có tính liên kết cao với Thủ đô". Điều này đang từng bước hiện thực hóa qua loạt dự án nhà ở, khu đô thị tích hợp và phát triển không gian sống hiện đại dọc các trục giao thông lớn.
Ở các huyện ven đô như Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, những khu đô thị hiện đại với mô hình “thành phố trong lòng thành phố” đang được triển khai rầm rộ. Không chỉ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hàng triệu người dân, các khu đô thị mới còn tích hợp trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện, giải trí – tạo ra sức hút mạnh với cả cư dân lẫn nhà đầu tư.
Bên cạnh cải cách hành chính, cú hích lớn thứ hai thúc đẩy bất động sản vùng Thủ đô là sự bùng nổ của các dự án hạ tầng trọng điểm. Vành đai 4 và Vành đai 5 đang từng bước hoàn thiện, mở rộng không gian kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận. Cùng với đó là các siêu dự án như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, sân bay Gia Bình… tạo mạng lưới giao thông hiện đại, đồng bộ.
![]() |
TS. TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia tham luận. |
Theo TS. Cấn Văn Lực, đây sẽ là "lực đẩy chiến lược", giúp các địa phương như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hưng Yên dễ dàng vươn lên thành đô thị trung ương, thu hút dân cư, doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Một điểm nhấn nổi bật khác là việc Hà Nội đi đầu trong áp dụng mô hình TOD (Transit-Oriented Development) – phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng. Những khu vực nằm dọc theo tuyến metro số 3 (Nhổn – ga Hà Nội), tuyến số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc) sẽ sớm trở thành những “tọa độ vàng” mới trên bản đồ bất động sản.
Cùng lúc, Thái Nguyên, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... cũng tăng tốc xây dựng đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ số vào quản lý, cung cấp dịch vụ và phát triển không gian sống. Đây là dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang chuyển từ giai đoạn “phát triển nóng” sang “phát triển thông minh, bền vững”.
Không chỉ là nơi ở, vùng Thủ đô còn là mảnh đất tiềm năng cho bất động sản công nghiệp và nghỉ dưỡng – hai phân khúc được dự báo sẽ bùng nổ trong giai đoạn 2025–2030.
Với vị trí “vừa gần biển, vừa gần núi”, khu vực này đang trở thành điểm đến của hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài. Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên liên tục đón nhận những dự án khu công nghiệp mới. Nhu cầu kho bãi, nhà xưởng, dịch vụ logistics đang tăng cao nhờ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ở một khía cạnh khác, xu hướng sống xanh, sống chậm đang giúp bất động sản nghỉ dưỡng gắn với thiên nhiên lên ngôi. Từ Hòa Lạc, Ba Vì, Tam Đảo cho đến Hòa Bình, nhiều dự án đô thị sinh thái, khu nghỉ dưỡng ven đô được triển khai, mang lại không gian sống cân bằng và giá trị gia tăng bền vững cho cả nhà đầu tư lẫn cư dân.
![]() |
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam |
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, vùng Thủ đô không còn là khu vực bị động trong phát triển, mà đang dần định hình vai trò là một “trục tăng trưởng mới” của quốc gia. Việc chuyển từ đô thị lõi sang hệ thống đô thị đa trung tâm đang mở ra không gian phát triển chưa từng có.
Không gian số, không gian ngầm, không gian trên cao và cả không gian biển đang được đưa vào chiến lược quy hoạch dài hạn. Đây là cách tiếp cận hiện đại, đón đầu xu hướng toàn cầu, đồng thời giúp thị trường bất động sản vùng Thủ đô thoát khỏi giới hạn về quỹ đất và hạ tầng cũ kỹ.
Sự hội tụ của các yếu tố “vàng” – từ cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng, đến tư duy phát triển mới – đang biến vùng Thủ đô thành “vùng trũng hút vốn” trên bản đồ bất động sản Việt Nam. Cơ hội đang ở phía trước, và chỉ những nhà đầu tư thức thời mới có thể nắm bắt làn sóng này.