Trong bối cảnh chứng khoán Mỹ liên tục thiết lập mức cao kỷ lục, một rủi ro vĩ mô đang âm thầm gia tăng nhưng lại bị thị trường đánh giá thấp: khả năng Tổng thống Donald Trump sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, làm lung lay nền tảng độc lập của chính sách tiền tệ Mỹ.
![]() |
Nguy cơ Chủ tịch Fed bị sa thải là rủi ro bị đánh giá quá thấp? |
Mâu thuẫn giữa ông Trump và ông Powell không phải điều mới mẻ. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần công khai chỉ trích Fed vì không cắt giảm lãi suất đủ nhanh, và thậm chí từng úp mở về khả năng thay thế người đứng đầu ngân hàng trung ương. Tuần trước, xung đột này lại leo thang khi ông Russell Vought – một cố vấn cấp cao của chính quyền ông Trump, cáo buộc ông Powell quản lý kém khi để chi phí cải tạo trụ sở Fed đội vốn và kêu gọi điều tra.
Dù nhiều nhà đầu tư coi đây là những phát ngôn mang tính chính trị, Deutsche Bank cho rằng thị trường đang đánh giá quá thấp khả năng rủi ro thực sự. Theo ông George Saravelos - Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối toàn cầu của ngân hàng này, khả năng ông Powell bị sa thải đang chỉ được thị trường dự đoán ở mức 20% – quá thấp so với tác động tiềm tàng.
Đáng chú ý, Deutsche Bank cảnh báo rằng, nếu kịch bản ông Powell bị miễn nhiệm xảy ra, hậu quả đối với đồng USD và thị trường trái phiếu Mỹ sẽ lập tức thể hiện.
Trong trường hợp cực đoan, đồng USD có thể giảm giá từ 3 - 4% chỉ trong thời gian ngắn. Đồng thời, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, đặc biệt là kỳ hạn dài, có thể tăng 30 – 40 điểm cơ bản do làn sóng bán tháo, khiến chi phí vay mượn tăng vọt. Điều này sẽ làm tăng kỳ vọng lạm phát, giảm lãi suất thực, và làm gia tăng mức độ rủi ro trong toàn bộ hệ thống tài chính Mỹ.
Đáng chú ý, nghịch lý là chính sách can thiệp như vậy sẽ phản tác dụng hoàn toàn so với mục tiêu của Tổng thống Trump, người đang kỳ vọng một môi trường lãi suất thấp hơn để hỗ trợ tăng trưởng.
Ngoài ra, một yếu tố khiến thị trường càng nhạy cảm là mức thâm hụt ngân sách của Mỹ đang ở mức rất cao. Nếu Fed bị mất tính độc lập, niềm tin vào khả năng kiểm soát lạm phát và kỷ luật tài khóa của Mỹ sẽ bị lung lay, từ đó làm gia tăng rủi ro tài chính mang tính hệ thống.
Theo ông Saravelos, thị trường đang có tâm lý lạc quan nhờ sự trì hoãn của các vòng áp thuế và đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng rủi ro về sự can thiệp chính trị vào chính sách tiền tệ không phải là chuyện viễn tưởng.
Ông nhắc lại tiền lệ lịch sử dưới thời Tổng thống Richard Nixon vào những năm 1970, khi ông này gây sức ép buộc Chủ tịch Fed Arthur Burns giữ lãi suất ở mức thấp, góp phần tạo ra thời kỳ đình lạm kéo dài. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại còn phức tạp hơn khi nợ công Mỹ đang ở mức cao kỷ lục, và vai trò trung tâm của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu khiến bất kỳ cú sốc nào cũng có thể lan rộng nhanh chóng.
Ngay cả khi ông Trump không thực sự sa thải Chủ tịch Powell, mối căng thẳng kéo dài giữa Nhà Trắng và Fed cũng sẽ để lại hệ lụy lâu dài. Deutsche Bank dự báo rằng rủi ro chính trị sẽ được phản ánh dưới dạng “phí rủi ro” (risk premium) gia tăng trên đồng USD và trái phiếu Kho bạc Mỹ – tức là nhà đầu tư sẽ yêu cầu mức lợi tức cao hơn để nắm giữ tài sản định giá bằng USD.
“Chúng tôi cho rằng rủi ro ông Powell bị sa thải là một trong những sự kiện có khả năng bị thị trường định giá thấp nhất, nhưng tác động có thể lớn nhất trong vài tháng tới”, ông Saravelos kết luận.
![]() |
![]() |