Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sau khi tiếp nhận phản ánh từ báo chí và dư luận xã hội, đặc biệt là những bất cập trong chế biến sâu cà phê và khó khăn trong xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường cao cấp như Đức.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất giải pháp kịp thời tháo gỡ các “nút thắt” về sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, phát triển chuỗi liên kết bền vững, chuẩn hóa truy xuất nguồn gốc và nâng cao vị thế nông sản Việt trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ “nút thắt” cho ngành cà phê và cá ngừ |
Nửa đầu năm 2025, ngành cà phê Việt Nam ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục – nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của dòng cà phê Arabica và các sản phẩm chế biến. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy xu hướng chuyển dịch rõ nét từ xuất khẩu thô sang chế biến sâu đang phát huy hiệu quả, mở ra dư địa lớn để nâng giá trị gia tăng và định vị thương hiệu cà phê Việt trên thị trường thế giới.
Dự kiến đến cuối năm, kim ngạch toàn ngành có thể cán mốc 7 tỷ USD – một con số mang tính biểu tượng đối với ngành nông sản. Tuy nhiên, đằng sau kết quả ấn tượng này là những thách thức không thể xem nhẹ.
Ngành cà phê đang chịu sức ép từ mức thuế nhập khẩu 20% của thị trường Mỹ – đối tác lớn của Việt Nam. Đồng thời, quy định mới từ Liên minh châu Âu về chống phá rừng (EUDR) đang đặt ra yêu cầu khắt khe hơn về truy xuất nguồn gốc, tính minh bạch và các chứng nhận phát triển bền vững. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức lại vùng nguyên liệu chất lượng cao và đầu tư công nghệ chế biến trở thành mệnh lệnh sống còn nếu ngành muốn giữ vững và mở rộng thị phần tại các thị trường “khó tính”.
Trái với cà phê, ngành cá ngừ Việt Nam đang đối mặt với sự sụt giảm đáng lo ngại. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang Đức chỉ đạt gần 11 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhóm sản phẩm chế biến mã HS16 – vốn là thế mạnh của Việt Nam – giảm tới 48%.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trong nước. Một số doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu cá ngừ từ các nước EU để duy trì đơn hàng, nhưng điều này làm tăng chi phí đầu vào, khiến sản phẩm khó cạnh tranh – đặc biệt trong bối cảnh người tiêu dùng châu Âu đang thắt chặt chi tiêu do bất ổn kinh tế kéo dài.
Mở rộng thị trường sang châu Á và EU được xem là hướng đi cần thiết trong bối cảnh thị trường Mỹ gia tăng rào cản thuế. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chiến lược này, doanh nghiệp cần được hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc tháo gỡ điểm nghẽn về cấp chứng nhận khai thác, cải thiện khả năng tiếp cận nguyên liệu nội địa và đảm bảo quy trình truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc tế.