Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 6909/VPCP-CN ngày 24/7/2025, truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xử lý thông tin báo chí phản ánh liên quan đến chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may Việt Nam.
Trước đó, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã có báo cáo tổng hợp thông tin, báo chí và dư luận về công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có bài viết đăng trên VietnamPlus ngày 20/7/2025 phản ánh xu hướng chuyển dịch của ngành dệt may theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Theo nội dung bài báo, ngành dệt may Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ nhằm bắt kịp các yêu cầu mới từ thị trường quốc tế và xu hướng phát triển bền vững. Thay vì tăng trưởng theo chiều rộng như trước đây, ngành đang hướng đến phát triển theo chiều sâu, ưu tiên đầu tư vào công nghệ, tăng tỷ lệ nguyên liệu tái chế và giảm dần sự phụ thuộc vào lao động phổ thông.
![]() |
Thủ tướng chỉ đạo xem xét chuyển dịch ngành dệt may sang kinh tế tuần hoàn |
Mục tiêu đặt ra đến năm 2030 là áp dụng rộng rãi các giải pháp xanh, sử dụng sợi tái chế như polyester, cotton và viscose; đồng thời ứng dụng công nghệ nhuộm thân thiện môi trường, giảm thiểu hóa chất độc hại. Thiết kế sản phẩm cũng được điều chỉnh theo hướng sử dụng sợi đơn chất để dễ dàng tái chế, góp phần hoàn thiện chu trình tuần hoàn khép kín.
Các chuyên gia cho rằng để nâng cao chất lượng tái chế, ngành cần kiểm soát nguyên liệu đầu vào, loại bỏ sớm các vi sợi nhựa và vật liệu khó phân hủy. Đồng thời, cần phát triển các dòng nguyên liệu an toàn, không gây độc hại và đầu tư vào công nghệ tái chế hiện đại cùng hệ thống phân loại hiệu quả.
Trên thực tế, một số doanh nghiệp lớn trong ngành như Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty 28 (Agtex 28) và Công ty Dệt may Thành Công (TCM) đã chủ động đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, quy trình khép kín, chuyển đổi số và sử dụng năng lượng tái tạo. Đây là những bước đi quan trọng để ngành dệt may đáp ứng tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU và Hoa Kỳ.
Các chuyên gia từ Hà Lan khuyến nghị rằng để có thể tiếp cận bền vững thị trường châu Âu, doanh nghiệp dệt may Việt cần tuân thủ nhiều quy định mới, như thu gom riêng rác thải dệt, kiểm soát hóa chất và thúc đẩy tái chế ngay từ giai đoạn thiết kế sản phẩm.
Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero), việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành một xu hướng tất yếu. Đây cũng được xem là nền tảng để ngành dệt may Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD vào năm 2025, đồng thời duy trì vị thế cạnh tranh bền vững trên thị trường quốc tế.
Trước những nội dung phản ánh từ báo chí và tình hình thực tiễn của ngành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo xử lý theo chức năng và nhiệm vụ được giao, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực dệt may một cách hiệu quả và phù hợp với cam kết phát triển bền vững của Việt Nam.