Ngày 20/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 – đã chủ trì phiên họp lần thứ ba nhằm sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, đồng thời triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2025.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), trong nửa đầu năm, cả nước đã hoàn thành 76/106 nhiệm vụ theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW. Công tác xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và bố trí tài chính cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả tích cực.
Một trong những điểm nổi bật là sự tăng trưởng nhanh chóng của lĩnh vực công nghệ số. Tính đến cuối tháng 6, Việt Nam có gần 76.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động. Riêng trong tháng 5, có 739 doanh nghiệp công nghệ số được thành lập mới – một con số ấn tượng, phản ánh sự năng động và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này. Doanh thu từ kinh tế số trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 – đã chủ trì phiên họp lần thứ ba |
Bên cạnh đó, tỷ lệ dân số trưởng thành sở hữu chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt khoảng 33%, tương đương khoảng 20 triệu chứng thư chữ ký số đã được cấp – tăng gần 47% so với cuối năm 2024. Hạ tầng viễn thông cũng được cải thiện mạnh mẽ với 12.106 trạm phát sóng 5G đi vào hoạt động (tăng hơn 4.200 trạm so với cuối năm ngoái), cùng với việc đưa vào sử dụng thêm hai tuyến cáp quang biển quốc tế, giúp tăng gấp đôi dung lượng truyền dẫn.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, Chính phủ tiếp tục thúc đẩy toàn diện trên các trụ cột: hạ tầng số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến toàn trình trong tháng 6 đạt gần 40%; riêng khối bộ đạt 51%, trong khi khối địa phương đạt 15%. Cổng Dịch vụ công quốc gia đang từng bước được triển khai trở thành nền tảng "một cửa số" tập trung cấp quốc gia.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long, quá trình triển khai vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Trong tổng số 106 nhiệm vụ được giao, vẫn còn 30 nhiệm vụ chưa hoàn thành đúng hạn. Một số bộ, ngành chưa đăng ký nhu cầu kinh phí cho triển khai các nền tảng số quốc gia và dùng chung; nhiều nhiệm vụ còn mang tính hình thức, chưa rõ kết quả đầu ra.
Thứ trưởng cũng cho biết, mặc dù Thủ tướng đã cho phép Tập đoàn SpaceX thí điểm cung cấp dịch vụ viễn thông vệ tinh quỹ đạo tầm thấp, nhưng đến nay thủ tục đầu tư và cấp phép vẫn chưa hoàn tất, khiến việc triển khai chính thức còn chậm trễ.
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ KH&CN đề xuất tập trung vào các nhóm nhiệm vụ then chốt. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc thực hiện 286 nhiệm vụ đã được giao, đồng thời hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ còn tồn đọng. Bộ cũng nhấn mạnh yêu cầu xác định từ 1 đến 3 công nghệ hoặc sản phẩm chiến lược có tính cấp thiết để triển khai ngay trong tháng 8, tạo tác động lan tỏa trong thực tiễn.
Cùng với đó, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh chính sách thu hút nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ then chốt.
Đối với nhiệm vụ phủ sóng vùng lõm, Tập đoàn VNPT được giao hoàn thiện cơ sở hạ tầng và phát sóng 238 thôn bản chưa có sóng di động chậm nhất vào tuần thứ hai của tháng 9. Với 117 thôn chưa có điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ xây dựng phương án cấp điện, đồng bộ với kế hoạch hạ tầng viễn thông, hoàn thành trước ngày 30/11.
Trong cải cách thủ tục hành chính, các bộ, ngành được giao rà soát toàn bộ 1.139 thủ tục để đơn giản hóa, cắt giảm thành phần hồ sơ và chuyển đổi hoàn toàn sang hình thức trực tuyến, đồng thời triển khai đồng bộ tại chính quyền hai cấp thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Hạn chót thực hiện là trước ngày 1/1/2026.