Thách thức kép
Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, nằm trong nhóm 3 quốc gia có tiềm năng điện mặt trời và điện gió lớn nhất Đông Nam Á. Theo đánh giá của WB và Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), Việt Nam có khoảng 1.500–2.000 giờ nắng mỗi năm, tiềm năng điện gió gần bờ đạt khoảng 8,6 GW và điện gió xa bờ lên tới 600 GW.
![]() |
Nếu được khai thác hiệu quả, năng lượng tái tạo không chỉ là giải pháp an toàn về môi trường mà còn có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo động lực cho tăng trưởng xanh. Năm 2020, Việt Nam dẫn đầu khu vực ASEAN về thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, với tổng vốn đạt hơn 7,4 tỷ USD (theo BloombergNEF).
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero 2050). Theo Quy hoạch Điện VIII, để đạt được mục tiêu này, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung điện cần đạt trên 70% vào năm 2050. Đây không chỉ là cam kết chính trị mà còn là định hướng chiến lược dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia.
![]() |
Điện sạch: Lựa chọn chiến lược cho tương lai bền vững
Thế giới đang bước vào giai đoạn chuyển dịch năng lượng toàn diện, với trọng tâm là sử dụng các nguồn năng lượng sạch và bền vững. Các tập đoàn lớn như Apple, Samsung, LEGO… đều ưu tiên chọn các quốc gia có lộ trình sử dụng năng lượng sạch rõ ràng để đặt cơ sở sản xuất.
Nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines… đã có các quỹ hỗ trợ năng lượng tái tạo và chính sách giảm phụ thuộc vào điện than. Việt Nam, với lợi thế tự nhiên và tiềm năng sẵn có, cần có hành động đồng bộ, chính sách thống nhất và quyết liệt để không bỏ lỡ cơ hội vươn lên trong cuộc đua năng lượng xanh.
Việc chậm phát triển năng lượng tái tạo không chỉ khiến Việt Nam tiếp tục phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm và đắt đỏ, mà còn làm gia tăng chi phí ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở, hạn mặn...
Phát triển năng lượng tái tạo không chỉ là lựa chọn công nghệ hay môi trường, mà còn là bài toán chiến lược về kinh tế, an ninh năng lượng và vị thế quốc gia. Đây là bước đi tất yếu để đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư xanh và thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.