![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo chuẩn bị phát động một phong trào toàn dân thi đua làm giàu |
Sáng nay (18.5), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khái quát những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân và kế hoạch thực hiện.
Nghị quyết 68-NQ/TW đưa ra 05 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó nổi bật là:
Thứ nhất, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Thực tiễn đổi mới ở nước ta và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là lực lượng tiên phong thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế.
Thứ hai, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao vừa là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, vừa mang tính chiến lược lâu dài. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan, trong đó kinh tế tư nhân là phương thức quan trọng nhất để giải phóng sức sản xuất, kích hoạt, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là trong Nhân dân.
Thứ ba, xoá bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân; coi doanh nhân là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực.
Thứ tư, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu; thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, làm giàu hợp pháp, đóng góp cho đất nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân tham gia các nhiệm vụ quan trọng, chiến lược của quốc gia, vươn tầm khu vực, thế giới.
Thứ năm, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, kiến tạo của Nhà nước, lấy doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể; tôn vinh, cổ vũ, phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khát vọng cống hiến của đội ngũ doanh nhân cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết đã chỉ đạo Bộ Nội vụ chuẩn bị phát động một phong trào toàn dân thi đua làm giàu, đóng góp cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030, khu vực kinh tế tư nhân được xác định sẽ trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, đóng vai trò tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Mục tiêu đặt ra là cả nước sẽ có khoảng 2 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân, trong đó ít nhất 20 doanh nghiệp lớn có khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
"Kinh tế tư nhân được kỳ vọng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10 đến 12% mỗi năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Khu vực này sẽ đóng góp khoảng 55-58% GDP, chiếm 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động. Bên cạnh đó, năng suất lao động của khu vực tư nhân dự kiến tăng bình quân từ 8,5 đến 9,5% mỗi năm. Về năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế tư nhân Việt Nam hướng đến vị trí trong nhóm ba nước dẫn đầu ASEAN và năm nước hàng đầu châu Á", Thủ tướng khẳng định.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng thông tin Nghị quyết số 68-NQ/TW đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ là: Đổi mới tư duy, nhận thức và hành động; cải cách, nâng cao chất lượng thể chế; tăng cường tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường kết nối doanh nghiệp; phát triển doanh nghiệp tư nhân lớn; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh; phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Bộ Chính trị đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan trong hệ thống chính trị nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Theo đó, Đảng uỷ Quốc hội chịu trách nhiệm rà soát, hoàn thiện pháp luật và tăng cường giám sát việc thực hiện; Đảng uỷ Chính phủ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và ban hành Chương trình hành động của Chính phủ. Các Đảng uỷ bộ, ngành, địa phương và các cơ quan tư pháp xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, trong khi Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Trung ương có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Nghị quyết, đồng thời phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng chính sách phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh khẩn trương rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể; thu hẹp sự chênh lệch về tổ chức quản trị và chế độ tài chính, kế toán để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh.
Đặc biệt, phải ưu tiên chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh là thanh niên, phụ nữ, nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và các mô hình kinh doanh bao trùm, tạo tác động xã hội.